DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Mô hình nuôi bò thương phẩm ở thôn Nhị Hà 1

(NTO) Thôn 1, xã Nhị Hà (Thuận Nam) có 461 hộ, với 1.628 nhân khẩu, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. So với các thôn khác trong xã, thôn 1 có nghề nuôi bò khá phát triển với tổng đàn hiện thống kê được là 812 con.

Nhằm thúc đẩy nghề chăn nuôi bò phát triển, tháng 6 năm 2014, triển khai Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), Ban phát triển xã đã thành lâp 1 nhóm đồng sở thích (NST) nuôi bò ở thôn 1, đồng thời triển khai mô hình nuôi bò đực theo hướng vỗ béo lấy thịt. Ông Trần Hải, Trưởng Ban quản lý thôn kiêm Trưởng NST cho biết: Nhóm có 11 thành viên, trong đó có 2 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo.

Chị Trần Thị Thìn phấn khởi khi cặp bò được Dự án Tam nông
hỗ trợ phát triển tốt và sắp cho lợi nhuận.

Trên cơ sở định hướng của Ban phát triển xã và dựa vào nhu cầu mua bán bò thịt của thương lái ở địa phương nên nhóm đã bàn bạc và thống nhất với các hộ thành viên là triển khai nuôi vỗ béo bò đực lai sind. Đến tháng 11-2014, nhóm chính thức nhận con giống về chăm sóc với số lượng 2 con bò nái và 8 con bò đực. Dự án còn hỗ trợ 8 hộ thành viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo làm chuồng trại để nuôi bò quy củ; đồng thời tổ chức nhiều buổi tập huấn trước và trong quá trình chăn nuôi, giúp bà con nắm bắt được kỹ thuật nuôi bò lấy thịt, cách ủ thức ăn thô, cách nhận biết bệnh và phòng bệnh trên đàn bò.

Theo đánh giá của Ban Phát triển xã, tinh thần trách nhiệm “tương thân, tương ái” giữa các thành viên trong NST nuôi bò ở thôn 1 rất cao. Nhóm đã phân chia cho 2 hộ nghèo mỗi hộ 1 con nái và 1 con đực; số bò đực còn lại phân mỗi hộ cận nghèo 1 con. Nhận bò về nuôi hộ nào cũng vui mừng vì đây coi như là số vốn ban đầu để gia đình đầu tư tích lũy, sinh lời. Đối với hộ nghèo, bò nái sinh con thì giữ lại rồi vần đổi cho hộ khác, bò đực thì bán thịt và trích 20% số tiền cho nhóm tạo quỹ mua giống mới cho hộ thành viên tiếp tục nuôi phát triển kinh tế, mau chóng thoát nghèo. Ngoài ra, mỗi tháng nhóm tổ chức sinh hoạt định kỳ một lần, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, đóng quỹ mua cám ăn cho bò với mức 30.000 đồng/thành viên/tháng. Trong điều kiện nắng hạn, cỏ tự nhiên khan hiếm nên nhiều hộ đã tận dụng đất quanh nhà trồng cỏ lấy thức ăn tươi, cố gắng nuôi “thúc” đúng chu kỳ của dự án là 12 tháng xuất bán. Theo tính toán của người chăn nuôi thì trong điều kiện có đủ thức ăn và chăm sóc tốt thì bò đực đạt từ 300-350kg là có thể xuất bán với giá từ là 25-30 triệu đồng/con. Như vậy, cứ sau 1 năm chăn nuôi thì các hộ thành viên có mức thu lãi từ 15-18 triệu đồng sau khi đã trích 20% vào tài sản chung của NST và một số chi phí chăn nuôi khác, có thêm nguồn thu nhập khá cho hộ nghèo bên cạnh lao động đồng áng hoặc làm thuê.

Đến thăm hộ chị Trần Thị Thìn, một thành viên trong nhóm, chúng tôi thấy cặp bò “dự án” đang trong giai đoạn phát triển tốt, riêng con nái đã cấn chửa. Chị Thìn cho hay: Tại thời điểm nhận nuôi, bò của dự án là 13 triệu đồng/con với trọng lượng hơn 100kg, sau gần 9 tháng chăn nuôi, hiện nay ước lượng con bò đực đã đạt hơn 200kg.Với đà này, tôi nghĩ đến tháng 12 thì có thể xuất bán nhưng nếu Dự án HTTN kéo dài thời gian đánh giá hiệu quả mô hình từ 3-6 tháng nữa thì chắc chắn đàn bò của NST chúng tôi sẽ cho trọng lượng tốt hơn và giá bán sẽ cao hơn.

Từ thực tiễn chăn nuôi của các hộ thành viên NST nuôi bò thôn Nhị Hà 1 cho thấy, tuy chỉ là mô hình mới triển khai nhưng bước đầu đã cho tín hiệu đáng mừng về giá trị kinh tế nhận lại. Qua khảo sát nhu cầu của người dân địa phương, Ban Phát triển xã đang có kế hoạch thành lập thêm một NST nuôi bò ở thôn này nhằm tiếp tục tạo sinh kế cho hộ nghèo và cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, đồng thời thúc đẩy nghề chăn nuôi bò ở địa phương phát triển ngày càng bền vững.