DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Tổ nuôi bò thôn Láng Me phát triển theo hướng kết nối với doanh nghiệp

(NTO) Là một trong ba thôn của xã Bắc Sơn thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Thuận Bắc, thôn Láng Me có diện tích đất sản xuất gồm 90 ha ruộng lúa nước và 30 ha đất lúa rẫy. Ngoài trồng trọt, người dân Láng Me còn chăn nuôi bò, dê, cừu để cải thiện cuộc sống.

Toàn thôn có tổng đàn gia súc gồm 180 con bò, 600 con dê và 100 con cừu nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, người dân thôn Láng Me chú trọng phát triển nuôi bò và coi đây là một trong những phương cách thoát nghèo hữu hiệu.

Anh Trương Văn Thành chăm sóc bò cái nuôi do Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh chuyển giao.

Để phát triển chuỗi giá trị bò, đầu tháng 6-2014, tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò cái sinh sản thôn Láng Me được thành lập gồm 12 hộ thành viên, trong đó có 11 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo, do anh Trương Văn Thành làm nhóm trưởng. Hầu hết bà con trong tổ sinh nhai bằng nghề làm thuê, không có đất đai canh tác, có 7-8 hộ trước kia có chăn nuôi nhưng do không còn điều kiện làm chuồng trại nên rơi xuống diện nghèo. Ngay khi ra mắt, trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Tam nông, từ nguồn vốn CDF (Quỹ Phát triển cộng đồng), đã có 12 con bò cái nuôi sinh sản được chuyển giao, bình quân mỗi thành viên trong tổ nhận nuôi 1 con. Hộ đầu tiên trong tổ có bò sinh sản là hộ anh Lê Thành Tiên, chỉ sau 3 tháng nuôi, bò cái của hộ anh đã sinh ra 1 con bê. Cách đây khoảng 2 tháng, bò nuôi của hộ anh Nguyễn Tiến cũng đã đẻ được 1 con bê, trở thành hộ thứ hai trong tổ nuôi thành công bò sinh sản. Hiện có 4 hộ khác thuộc nhóm cũng có bò nuôi đang cấn chửa, như vậy sẽ không lâu nữa, từ 12 con nuôi sinh sản, Láng Me sẽ tăng đàn bò dự án lên 18 con.

Điều đáng ghi nhận của tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò cái sinh sản thôn Láng Me là dù đang mùa khô hạn, gặp nhiều khó khăn về thức ăn, nước uống nhưng bà con thành viên vẫn vượt qua. Trong 12 hộ chỉ có 2 hộ có đất trồng cỏ, còn lại các hộ chăn thả tự nhiên, tận dụng rơm cỏ và các loại cây lá làm thức ăn. Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi, bò cái dễ chăm sóc hơn bò đực nuôi vỗ béo. Nếu so với các chương trình, dự án khác thì việc giao bò của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh thiết thực hơn, tạo được điều kiện, cơ hội cho bà con vươn lên thoát nghèo. Anh Trương Văn Thành cho biết: Thực ra, trước đây dự án định giao bò nuôi rẽ, tức là sau khi sinh ra bê con, bò cái sẽ chuyển cho hộ khác nuôi, nhưng qua bàn bạc đề xuất của các hộ dân trong tổ nhóm, dự án chấp thuận dân tự đóng góp thêm 4 triệu đồng và toàn quyền sở hữu, chăm sóc lấy bò (trị giá 20 triệu đồng/con). Theo kinh nghiệm của người dân, bò từ lúc đẻ tới khoảng 3-6 tháng là chịu đực, thông thường cứ 3 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 1 con. Tất cả bò dự án đều do Trang trại chăn nuôi Lê Duy Tuấn cung cấp. Theo cam kết, trong thời gian bảo hành 6 tháng nuôi, nếu bò cái không sinh sản được Trang trại sẽ đổi lại bò khác cho các tổ nhóm chăn nuôi.

Qua hoạt động của tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò cái sinh sản thôn Láng Me, kết quả đầu tiên có thể thấy là đã từng bước tạo môi trường liên kết giữa người sản xuất với cơ sở cung cấp, bao tiêu sản phẩm. Theo anh Thành, trong giai đoạn đầu nuôi đến khi chịu đực, nếu có trục trặc gì, Trang trại chăn nuôi Lê Duy Tuấn sẽ hỗ trợ chi phí thú y (cấp xã, huyện) và khi bò sinh sản ra con, nếu là bò đực nuôi vỗ béo, trang trại sẽ mua thịt theo giá bằng hoặc cao hơn thị trường. Hiện nay, trên thị trường, bò nuôi vỗ béo trưởng thành có giá khoảng 30 triệu đồng/con. Nhìn chung có sự đồng hành của doanh nghiệp liên kết (Trang trại chăn nuôi Lê Duy Tuấn), nông dân trong tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò cái sinh sản thôn Láng Me yên tâm hơn và có thêm một phần động lực để phát triển chuỗi giá trị bò, hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống.