An Nhơn được chia làm 2 khu vực là An Nhơn lớn (tức thôn cũ) và An Nhơn nhỏ (vùng Gò Sắn) cách đó 1 km trên đường đi qua Phước Nhơn, còn gọi là xóm mới. Toàn thôn có dân số gần 2.040 người (478 hộ). Để quản lý dân cư, An Nhơn chia làm 8 tổ tự quản, bên cạnh đó có Ban công tác Mặt trận và Chi hội Người cao tuổi thôn có vai trò giúp người dân hoà giải xích mích, mâu thuẫn. Vì vậy trong mối quan hệ giữa 2 tôn giáo Bà-ni và Islam, mọi ý kiến bất đồng đã được giải quyết êm xuôi, không hề xảy ra tình trạng mất đoàn kết. Bà Hứa Thị Trong, một người dân xóm mới chia sẻ: “Bà con ở đây luôn sống chan hoà tình làng nghĩa xóm, khắng khít bên nhau”. Các đoàn thể đã cùng với Ban quản lý thôn thúc đẩy phong trào văn nghệ, thể thao hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều nam, nữ thanh niên tham gia, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư được quan tâm, người dân An Nhơn đã nhiệt tình hưởng ứng đóng góp tiền thuê xe vận chuyển rác thải sinh hoạt tập trung, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp các khu công cộng.
Đường nội đồng và hệ thống kênh mương được bê-tông thúc đẩy phát triển sản xuất.
Với diện tích đất canh tác bao gồm 99 ha ruộng lúa 3 vụ, 50 ha đất trồng màu (chủ yếu là bắp, mè, bo-bo và các loại đậu) và 50 ha đất trồng cỏ để chăn nuôi trang trại; có kênh mương dẫn nước chủ động tưới, ruộng lúa ở đây cho năng suất thu hoạch bình quân 7-7,2 tấn/ha mỗi vụ, riêng vụ đông-xuân vừa qua có nhiều hộ đạt năng suất 9 tấn/ha như các hộ Nguyễn Công, Đào Kim Niên, Đạo Thanh Sáng. Ngoài trồng lúa nước, thế mạnh của An Nhơn là chăn nuôi, với tổng đàn gia súc có sừng bao gồm đàn bò 500 con, đàn cừu 2.300 con và đàn dê trên 200 con, phát triển theo mô hình trang trại. Toàn thôn hiện có 20 trang trại (nuôi từ 300 con cừu trở lên), theo ông Bá Trung, một người nuôi cừu, nếu hộ gia đình chăn nuôi có trung bình trên 100 con cừu, thu nhập hàng năm thấp nhất cũng khoảng trên 100 triệu đồng. Nhìn chung qua phát động phong trào thi đua sản xuất, làm kinh tế giỏi, người dân An Nhơn đã đầu tư thâm canh giống cây trồng có năng suất cao, chăn nuôi theo mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, một bộ phận khá lớn người dân (chiếm gần nửa số hộ trong thôn) bán thuốc Nam dạo theo nghề truyền thống có thu nhập khá, góp phần đáng kể vào việc ổn định đời sống.
Trao đổi với anh Báo Ngọc Tính, chúng tôi được biết trong phong trào giảm nghèo, ngoài điều kiện thuận lợi về hạ tầng phục vụ sản xuất, An Nhơn có cách làm rất hiệu quả như giúp nhau làm ăn, tìm kiếm việc làm, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nếu năm 2011, cả thôn có 12% tỷ lệ hộ nghèo thì đến nay, con số ấy hạ xuống còn 1,05%. Nhờ tình đoàn kết tương thân, tương trợ của người dân và các chính sách đầu tư hỗ trợ của nhà nước, An Nhơn đã không còn tình trạng nhà ở tạm bợ, dột nát; tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. An Nhơn hiện có 100% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, mọi nhà trong thôn đều có điện thắp sáng, gần như nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn và xe máy để đi lại, không ít hộ có 2-3 xe máy trong nhà. Các công trình hạ tầng về y tế, trường học, giao thông đều xây dựng khang trang, riêng đường nội thôn đã có 90% được kiên cố hóa.
Không chỉ đời sống kinh tế được cải thiện, An Nhơn còn là điển hình về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh lành mạnh, trong 4 năm liền (2011-2014) được công nhận là thôn văn hóa. Với những kết quả đạt được từ phong trào thi đua yêu nước, An Nhơn đã tạo ra nhiều nhân tố quan trọng góp phần vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể qua thẩm định ban đầu, An Nhơn đạt 18 tiêu chí, trở thành thôn dẫn đầu trong xã về xây dựng nông thôn mới.
Bạch Thương