Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), trong giai đoạn 2011-2015, Ninh Phước đã có những bứt phá khá rõ nét và đang tạo ra phong trào hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Trong nhiệm kỳ qua, huyện Ninh Phước luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn,
phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân địa phương.
Trong ảnh : Đường giao thông nông thôn xã Phước Hậu.Ảnh: Văn Miên
Theo đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện, với kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, 5 năm về trước, tăng trưởng và thu nhập từ nông nghiệp ở Ninh Phước chưa bền vững, giá cả và đầu ra một số nông sản chưa ổn định, đời sống một bộ phận nông dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân thấp (trung bình một năm đạt chỉ dưới 8,7 triệu đồng/người). Đáng chú ý là trước khi có chủ trương xây dựng NTM, mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn chưa được khang trang; vai trò, vị trí, tiềm lực từ nông dân chưa được phát huy hết. Với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao và cạnh tranh trên thị trường; nông thôn ngày càng khang trang, văn minh và thu nhập của nông dân nâng lên, trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ninh Phước đã đạt được nhiều kết quả về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đi từ các xã An Hải, Phước Thuận đến Phước Hậu, Phước Vinh, ở đâu chúng tôi cũng thấy sự khởi sắc rõ rệt qua các bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng khai thác lợi thế từng vùng. Tại Phước Thái, một trong những xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, chúng tôi được anh Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Trong những năm qua, Phước Thái đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khang trang, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; nông dân đã từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhìn trên phạm vi toàn huyện, qua các tiến bộ khoa học-công nghệ được triển khai ứng dụng, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả được nhân rộng, đã làm tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích từ 74,5 triệu đồng/ha/năm (vào năm 2010) lên 142,3 triệu đồng (trong năm 2015), dần tạo thương hiệu nông sản đặc thù trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hoạt động của các HTX nông nghiệp tiếp tục được duy trì, kinh tế trang trại có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng thu nhập cho nông dân từ 8,7 triệu đồng/năm (vào năm 2010) lên 23,9 triệu đồng (trong năm 2015).
Ninh Phước ngày nay gây ấn tượng bởi diện mạo nông thôn từng bước đổi mới theo hướng hiện đại, văn minh; bên cạnh đó, đời sống vất chất và tinh thần của nhân dân đã được cải thiện đáng kể. Về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và huy động đóng góp của nhân dân, đến nay, Ninh Phước có 100% đường giao thông trục xã, gần 60% đường trục thôn, 50% đường nội đồng, 40% kênh thủy lợi cấp ba đã được nâng cấp, kiên cố hóa. Hệ thống chợ nông thôn, trường học, trạm y tế, các công trình văn hóa, thể dục - thể thao được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao mức hưởng thụ của người dân nông thôn trên địa bàn huyện; hiện có 99% hộ gia đình đã sử dụng điện lưới quốc gia, 90% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được các cấp, các ngành chú trọng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" phát triển mạnh mẽ, góp phần làm cho nhận thức của nhân dân trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có sự chuyển biến tích cực, hợp với thuần phong mỹ tục, vừa đảm bảo văn minh, vừa đảm bảo an ninh trật tự khu dân cư.
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sau 5 năm thể hiện rõ, Ninh Phước dự kiến đến cuối năm 2015 có xã Phước Thái đạt chuẩn NTM, 3 xã là Phước Sơn, Phước Vinh, Phước Thuận đạt 18/19 tiêu chí và các xã còn lại đạt từ 11-16 tiêu chí về xây dựng NTM. Từ kinh nghiệm chọn phát triển sản xuất nông nghiệp làm giải pháp hàng đầu thực hiện xây dựng NTM, trong những năm tới, Ninh Phước đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào nông nghiệp và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mở rộng ngành nghề từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế hợp tác xã và trang trại, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Đặc biệt, hướng đến mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện trở thành huyện NTM vào năm 2020, Ninh Phước đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính bứt phá, trong đó chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển nông thôn.
Vân Tuyền