Với diện tích đất nông nghiệp hơn 1.400ha, nông dân An Hải nổi tiếng với các loại rau, củ ngắn ngày như cà chua, cải trắng, cà-rốt, hành lá… trên diện tích hàng trăm héc-ta. Song bên cạnh đó, nghề trồng nho vốn cũng gắn bó lâu đời với người dân An Hải và tên nho gắn liền với tên làng như nho Long Bình, nho An Thạnh. Hiện nay, nông dân trong xã trồng 67 ha nho, tập trung ở 4 thôn An Thạnh 1, 2 và Long Bình 1,2; trong đó, diện tích trồng mới hàng năm của xã ước khoảng 5 ha.
Vườn nho của anh Nguyễn Văn Phái (thôn An Thạnh 1) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Xác lập cây nho trong chuỗi giá trị chung của địa phương, Ban phát triển xã An Hải đã thành lập 2 nhóm đồng sở thích ở thôn An Thạnh 1 và An Thạnh 2, với mục tiêu là hướng dẫn người trồng nho theo phương thức canh tác an toàn, hiệu quả, nâng cao năng suất và giá trị, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Đồng chí Trần Khánh Ninh, Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban phát triển xã An Hải cho biết: Vào tháng 4 năm 2014, mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap được Ban Phát triển xã An Hải triển khai trên diện tích 1,5ha, cho 10 hộ, thuộc 2 nhóm đồng sở thích. Tham gia mô hình, các hộ nông dân thành viên được chuyển giao kỹ thuật trồng nho an toàn, hỗ trợ vật tư ban đầu và quy trình kiểm định sản phẩm trước khi thu hoạch. Để người dân trong xã tiếp cận được cách trồng nho theo hướng VietGap, Ban Phát triển xã còn mời các hộ trồng nho ở địa phương tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật để bà con tiếp cận, học hỏi.
Là hộ tham gia mô hình, ông Đặng Ngọc Đông, trưởng nhóm đồng sở thích trồng nho thôn An Thạnh 2 cho biết, bước vào vụ nho hè-thu, nhóm chúng tôi có 6 hộ tham gia mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP do DASU huyện chuyển giao. Trong quá trình triển khai, các thành viên được tập huấn quy trình trồng nho an toàn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là tập cho nông dân thói quen ghi chép để kiểm soát các khâu từ đầu tư, canh tác và thu hoạch, từ đó có kế hoạch canh tác hợp lý cho vụ tiếp theo. Qua một vụ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, vườn nho của các hộ thuộc nhóm đồng sở thích đều được kiểm định an toàn với sản lượng đạt hơn 30%.
Từ hiệu quả ban đầu của mô hình trong vụ hè-thu, hầu hết các hộ trong 2 nhóm đồng sở thích đều áp dụng quy trình canh tác nho an toàn cho vụ Tết năm nay. Đơn cử như hộ anh Nguyễn Văn Phái (thôn An Thạnh 1) đã áp dụng quy trình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP trên cả 2 sào nho. Anh Phái cho biết, anh tham gia mô hình với diện tích 1 sào, thấy có hiệu quả nên trong vụ nho Tết đã mạnh dạn áp dụng lại quy trình trên toàn bộ 2 sào nho của gia đình. Vừa được sản lượng lại được giá nên thu hoạch nho được hơn 70 triệu đồng. So với cách trồng nho truyền thống, thì cách làm từ mô hình hiệu quả hơn nhiều.
Qua khảo sát nhu cầu của nông dân, trong năm 2015, Ban phát triển xã chú trọng củng cố 2 nhóm đồng sở thích cây nho và khuyến khích các hộ trồng nho liên kết với nhóm để nhân rộng mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, bước đầu hình thành nên một vùng canh tác nho an toàn bên cạnh vùng sản xuất rau an toàn khá nổi tiếng của xã An Hải, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên diện tích canh tác cây trồng.
Diễm My