Xã Phước Vinh có tổng diện tích đất tự nhiên trên 4.584 ha, trong đó diện tích sản xuất bình quân hằng năm khoảng 1.785 ha, với các loại cây trồng chủ yếu là lúa, bắp, táo. Để sản xuất mang lại hiệu quả cao, nông dân đã áp dụng trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Đến nay, đàn gia súc của xã đã phát triển hơn 12.000 con, trong đó, đàn bò và cừu với khoảng 9.500 con.
Phát triển chăn nuôi cừu ở Phước Vinh.
Ông Trần Bá Thiên, thành viên Ban Phát triển xã Phước Vinh cho biết: Triển khai Dự án Hỗ trợ Tam nông, từ thế mạnh của địa phương, xã đã xây dựng được 3 chuỗi giá trị là bò, cừu, táo và 1 chuỗi giá thế mạnh là bắp; thành lập 8 nhóm đồng sở thích (NST), bao gồm 1 nhóm nuôi bò, 1 nhóm nuôi cừu, 5 nhóm trồng bắp và 1 nhóm trồng táo với 174 thành viên, trong đó có 95 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Các nhóm được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, thú y, chế biến thức ăn gia súc, hỗ trợ cây giống, con giống, làm chuồng trại chăn nuôi và vật tư nông nghiệp ban đầu.
Riêng trong năm 2014, Ban Phát triển xã đã hỗ trợ xây dựng chuồng trại cho 10 hộ chăn nuôi bò và 6 hộ chăn nuôi cừu, hỗ trợ cừu sinh sản cho 3 hộ, mỗi hộ 2 con ở thôn Liên Sơn 1; chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ vật tư cho 8 hộ trong nhóm NST trồng táo ở thôn Bảo Vinh mô hình trồng táo theo hướng VietGAP với diện tích 1,7 ha. Ngoài ra, để các nhóm NST hoạt động hiệu quả, đúng với yêu cầu phát triển các chuỗi giá trị của Dự án đề ra, Ban Phát triển xã phối hợp mở được 11 lớp tập huấn cho bà con, chủ yếu về sản xuất nông nghiệp. Qua các lớp tập huấn, hầu hết nông dân đã biết ứng dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào chăm sóc, phát triển cây trồng, chăn nuôi góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng, từ nguồn vốn hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, địa phương đã nâng cấp, sửa chữa đường nội đồng Liên Sơn 1 dài 300 m và đường vào Trạm bơm Bảo Vinh với chiều dài 420 m; xây mới chợ Bảo Vinh và Phước An 2; sửa chữa, nâng cấp sân phơi HTX Bảo Vinh và HTX Phước An, với tổng vốn đầu tư gần 2,5 tỷ đồng. Hạ tầng nông thôn cải thiện đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân, giao thương và phục vụ phát triển các chuỗi giá trị của địa phương.
Qua đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án trên địa bàn xã thời gian qua cho thấy, đây là một “đòn bẩy” để Phước Vinh tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, nhất là công tác giảm nghèo. Cụ thể, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 11,63% (năm 2013) xuống còn 7,36%. Trong năm 2015, xã Phước Vinh tiếp tục phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5% để đạt chuẩn nông thôn mới. Chính vì vậy, xã đang tập trung triển khai các chương trình từ Dự án Hỗ trợ Tam nông kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Riêng với Chương trình Tam nông, trên cơ sở nhu cầu của nông dân, Ban Phát triển xã tiếp tục đầu tư hạ tầng sản xuất, thành lập mới 2 nhóm NST trồng táo và duy trì, củng cố hoạt động các nhóm NST hiện có. Ngoài ra, Dự án sẽ tăng cường tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch và sơ chế nông sản cho bà con. Đồng thời đẩy mạnh khâu tiếp cận thị trường, kết nối giữa người dân với các cơ sở, doanh nghiệp thu mua nông sản tạo sự ổn định trong tiêu thụ, góp phần tăng lợi nhuận cho người dân.
Diễm My