DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Lựa chọn chuỗi giá trị tác động giảm nghèo nhanh và bền vững

(NTO) Vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) tỉnh ta được triển khai tại 27 xã trên địa bàn 6 huyện, với tổng số 38.693 hộ, trong đó có 11.969 hộ nghèo, 4.548 hộ cận nghèo.

Thực hiện từ tháng 5-2011, các hoạt động của dự án đã tập trung vào nhóm đối tượng bao gồm hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, theo dự kiến đến năm 2015 sẽ có 80% hộ nghèo và 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án. Đến nay, sau gần 4 năm thực hiện, dự án đã từng bước góp phần phát triển nông thôn, đem lại lợi ích cho nông dân nghèo.

Nông dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) trồng nho theo hướng VietGAP
từ sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD).

Nhìn lại năm 2014, có thể thấy kết quả rõ nét nhất mà Dự án HTTN tỉnh đạt được qua thực hiện hợp phần 2 “Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo” là đã lựa chọn xây dựng các chuỗi giá trị có tiềm năng, có tác động giảm nghèo nhanh và bền vững. Dưới sự chủ trì của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT), Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh (PCU) và các Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) đã lựa chọn 8 kế hoạch hành động phát triển các chuỗi giá trị (bò, cừu, dê, heo đen, chuối, táo, nho, và tỏi) đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2013. Ngoài ra, các xã vùng dự án còn xác định ít nhất một chuỗi giá trị tiềm năng thuộc thế mạnh địa phương để đầu tư như: Mía, khoai mì, bắp, đậu xanh... Theo đó, thực hiện Tiểu hợp phần “Xác định và xếp thứ tự ưu tiên cho các chuỗi giá trị vì người nghèo”, dự án hướng tới một số hoạt động như: Tạo liên kết thị trường phù hợp, kết nối các doanh nghiệp để hợp tác với tổ nhóm và người sản xuất thông qua Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp (CBG), giúp mở rộng kinh doanh và tạo cơ hội cho người nghèo trong vùng dự án. Mục đích là tăng cường hỗ trợ nông dân trong lập kế hoạch sản xuất, hiểu rõ thị trường vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra; xây dựng hệ thống thông tin về nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, thương lái và nhà cung cấp vật tư đầu vào, cũng như thông tin liên lạc của các nông dân điển hình tại địa phương.

Nhằm tăng cường năng lực các cơ quan khuyến nông huyện, xã và tận dụng kinh nghiệm của các đơn vị dịch vụ tư để hỗ trợ cho các nhóm đồng sở thích (CIG), đến nay đã có 12 nhóm CIG táo được PCU tổ chức tập huấn áp dụng trồng táo an toàn VietGAP. Qua hoạt động phối hợp của PCU và các đơn vị đồng thực thi, một số kỹ thuật sản xuất cải tiến đã được giới thiệu cho nông dân trong các lĩnh vực chăn nuôi bò, dê và cừu, bao gồm cả kỹ thuật trồng giống cỏ năng suất cao (VA06), chế biến thức ăn trong mùa khô cho bò từ các phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ và ngô), cải thiện giống bò địa phương. Cụ thể, đã tập huấn nâng cao kỹ thuật chăn nuôi cho 670 thành viên các nhóm CIG nuôi bò và tập huấn cho 520 cán bộ khuyến nông xã về sản xuất, tiếp thị và thương mại trong các chuỗi giá trị ưu tiên. PCU cũng đã xác định các doanh nghiệp sẵn sàng làm đối tác trong công tác tập huấn cho các đơn vị. Các đơn vị thực thi như Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư, Chi cục Thú y đã triển khai các hoạt động tập huấn dẫn tinh viên cho cán bộ khuyến nông, thú y huyện, xã; đầu tư 6 điểm thụ tinh nhân tạo miễn phí cho đàn bò địa phương tại 6 huyện nhằm nâng cao tỷ lệ sind hóa đàn bò; tập huấn công tác thú y và hỗ trợ túi thuốc cho cán bộ thú y của 144 thôn. Hội Nông dân tỉnh đã tập huấn quy định sử dụng Nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận, tỏi Phan Rang cho các các tổ nhóm và doanh nghiệp, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ táo, tỏi cho người trồng...

Đối với hoạt động thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh nông nghiệp vì người nghèo, PCU đã xây dựng mối liên kết bền vững giữa khu vực tư nhân với nhóm CIG trong vùng dự án thông qua Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp vì người nghèo ở cấp huyện. Hai nguồn quỹ tài trợ để thúc đẩy sáng kiến kinh doanh nông nghiệp vì người nghèo là Quỹ Tài trợ Dự án nhỏ cạnh tranh (CSG) và CBG. Từ 35 đề xuất tài trợ vòng 1, 2 và 3 của các huyện, các quỹ đã giải ngân sau 2 đợt hơn 1,6 tỷ đồng và huy động đối ứng người hưởng lợi gần 1 tỷ đồng.

Trong chiến lược chính năm 2015, Dự án HTTN tỉnh chú trọng hoạt động giảm nghèo thông qua việc xúc tiến và hỗ trợ môi trường đầu tư và kinh doanh để tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Trong đó, tập trung giải ngân 2 quỹ CSG và CBG, với kinh phí 20,9 tỷ đồng nhằm kết nối doanh nghiệp tập huấn cho người sản xuất và tổ nhóm để cho ra sản phẩm mong muốn.