Khởi động “con đường tri thức” từ thực tế trang trại Quang Ninh

(NTO) Theo chân Đoàn cán bộ Văn phòng điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU), chúng tôi có dịp đến Trang trại hành tỏi Quang Ninh (Nhơn Hải, Ninh Hải) tìm hiểu về mô hình liên kết nông dân và kết nối thị trường. Dưới sự hướng dẫn của đại diện tư vấn PROCASUR, một tổ chức chuyên chia sẻ tri thức trên thế giới, chúng tôi tìm hiểu về tính ứng dụng của mô hình. Bước đầu, có thể nói Quang Ninh là minh chứng rõ nét về hoạt động theo hướng tổ chức “con đường tri thức” ở tỉnh ta.

Trang trại hành tỏi Quang Ninh thuộc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Đỉnh Lợi được chọn làm thí điểm vì tính hiệu quả và kinh nghiệm hay. Chủ trang trại là anh Nguyễn Tấn, nguyên là Kỹ sư Hóa làm việc tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Năm 2009 xuất phát từ ý tưởng xây dựng thương hiệu hành, tỏi quê hương, anh thành lập trang trại và năm 2011 chính thức rời khỏi công việc của trường để trở về nhà điều hành.

Đóng gói sản phẩm tại Trang trại hành tỏi Quang Ninh.

Ban đầu trang trại chỉ liên kết được với một nông dân, đầu tư sản xuất 1 ha hành, tỏi và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Với quyết tâm dành chỗ đứng cho hành, tỏi Nhơn Hải trên thị trường, anh kiên trì tìm đối tác và thuê một nhân viên chuyên làm nhiệm vụ chào hàng. Qua từng năm, trang trại mở rộng dần, tăng diện tích lên hơn 10 ha với 10 thành viên, doanh số từ 50 triệu đồng/ha năm 2009 đã tăng lên gần 2 tỷ đồng/năm. Ngoài sản phẩm hành tỏi, gần đây trang trại còn liên kết với nông dân trồng táo, nho.

Gần một ngày làm việc với tư cách người trong cuộc, cùng chia sẻ tri thức theo cách nói của PROCASUR, chúng tôi nhận thấy mô hình mà Trang trại hành tỏi Quang Ninh đang xúc tiến đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế và xã hội. Mặt mạnh trước hết là trang trại đã khẳng định được thương hiệu nhờ liên kết với nông dân, đầu tư sản xuất toàn bộ diện tích theo hướng VietGAP và bỏ vốn đầu tư (không thu hồi) về hạ tầng sản xuất cho nông dân (20 triệu đồng/hộ), nhưng lại không ràng buộc về khâu mua hàng, nếu giá thị trường cao hơn nông dân vẫn tự do bán. Mặt mạnh kế tiếp là mẫu mã bao bì tương đối ổn định, bắt mắt, hàng hóa đã có mặt trong 90% hệ thống Siêu thị trên toàn quốc. Anh Nguyễn Thế, nông dân thành viên liên kết trang trại nói: “Tác động của mô hình thấy rõ nhất là sản phẩm làm ra đều bán được. Thông qua sản xuất VietGAP, trang trại còn kiểm soát được chất lượng sản phẩm chúng tôi canh tác”. Đặc biệt, ngoài đầu tư cho nông dân, trong khâu đóng gói sản phẩm, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 người tại doanh nghiệp (thu nhập bình quân 100 ngàn đồng/người/ngày) và 20 người nhận hàng về nhà (thu nhập bình quân 50 ngàn đồng/người/ngày). Anh Nguyễn Tấn cho biết: “Do thời tiết nơi đây khắc nghiệt, khan hiếm nước tưới làm ảnh hưởng cây trồng nên trang trại có kế hoạch trong năm tới sẽ đầu tư hệ thống tưới phun, bình quân 3,5 triệu đồng/hộ”.

Cũng qua thảo luận, các cán bộ PCU lưu ý muốn phát huy thế mạnh thương hiệu, trang trại cần mở rộng liên kết nông dân tăng thêm diện tích, sản lượng nông sản; đầu tư thêm trang-thiết bị kỹ thuật trong khâu sơ chế, mở trang Web…Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vốn, sự quan tâm của chính quyền và các cơ hội nắm bắt từ các dự án, trên thị trường. Anh Võ Thái Tuấn, Phó Giám đốc PCU kết luận: “Quang Ninh là điểm khởi đầu hoạt động kiểu “con đường tri thức” ở tỉnh ta, điều quan trọng là tri thức, hay nói cách khác là kinh nghiệm rút ra từ mô hình này sẽ áp dụng toàn bộ hoặc một phần tùy vào điều kiện thực tế ở các nơi khác trong tỉnh, góp phần tác động các tổ, nhóm đồng sở thích phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo theo mục tiêu của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh”

Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Ninh Phước (DASU) vừa tổ chức hội nghị tổng kết về hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị cấp huyện. Theo đó, trong năm DASU huyện đã triển khai thực hiện đồng loạt các hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị tiềm năng cho toàn huyện, nhằm tập trung nguồn lực một cách hiệu quả quá trình phát triển chuỗi giá trị, gắn với thoát nghèo bền vững cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn từng xã. Đã nhân rộng 2 mô hình sản xuất nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 1,5 ha nho và 1,7 ha táo; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê, bò, cừu; đồng thời hỗ trợ 6 con bò đực giống, bò cái sinh sản cho 6 nhóm cùng sở thích nuôi bò; hỗ trợ 18 con dê sinh sản trưởng thành cho 6 hộ nghèo, cận nghèo, mỗi hộ 3 con và 18 con cừu sinh sản trưởng thành cho 9 hộ nghèo, cận nghèo, mỗi hộ 2 con; giải ngân gần 300 triệu đồng từ nguồn quỹ tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh và giải ngân hơn 1 tỷ đồng cho phụ nữ thuộc các nhóm tiết kiệm vay vốn của xã để phát triển kinh tế gia đình bằng việc trồng nho, táo, chăn nuôi bò, dê, cừu từng bước tiến dần đến việc xóa nghèo bền vững...