Việt Nam là đối tác CNTT "được ưa thích nhất” của Nhật

Theo báo cáo của Cơ quan xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA), Việt Nam vẫn giữ vững được vị trí đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản từ năm 2012 và là “đối tác được ưa thích nhất” của các DN Nhật Bản.

“Ngày CNTT Nhật Bản 2014” (Japan ICT Day 2014) lần thứ 8 vừa diễn ra tại Hà Nội sáng 30/10. Đây là năm có số lượng doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tham gia đông nhất với gần 100 đại biểu đến từ 47 DN.

Đặc biệt, có 2 đoàn đại biểu sang Việt Nam lần đầu tiên để tìm đối tác, đó là đoàn DN thành phố Sapporo với 12 DN và đoàn Hiệp hội Phần mềm Nhật Bản (NSA) với 20 DN. Đoàn của Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA) có 18 DN tham gia lần này.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng hy vọng Japan ICT Day 2014 sẽ giải quyết được những
tồn tại cần phải khắc phục để nâng hợp tác CNTT Việt Nam-Nhật Bản. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Bà Junko Kawauchi, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của JISA cho biết, các công ty Nhật Bản hiện nay rất cần những đối tác có quy mô nhân sự để thực hiện những dự án lớn. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, rất khó để có thể nhận được dự án từ Nhật Bản.

Vì thế, JISA cũng như các doanh DN Nhật Bản rất quan tâm đến 2 vấn đề chính được đặt ra tại Japan ICT Day 2014 là phát triển nguồn nhân lực CNTT cho hợp tác CNTT Việt Nam-Nhật Bản và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản cho các dự án lớn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định, “Japan ICT Day” sẽ là dịp để cộng đồng CNTT hai nước đánh giá kết quả hợp tác trong năm qua nhằm có định hướng cho giai đoạn sắp tới. Các đại biểu sẽ trao đổi những nội dung thiết thực, cấp bách và hy vọng sẽ giải quyết được những tồn tại cần phải khắc phục để nâng hợp tác này lên một tầm cao mới.

Báo cáo của Cơ quan xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA) cho thấy, Việt Nam vẫn giữ vững được vị trí đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản từ năm 2012 và là “đối tác được ưa thích nhất” của các DN Nhật Bản trong cuộc khảo sát do cơ quan này thực hiện với 31,5% phiếu bình chọn của DN Nhật (Ấn Độ là 20,6% và Trung Quốc là 16,7%).

Ngoài những lợi thế về gần gũi văn hóa, giá nhân công rẻ, nguồn nhân lực cũng là yếu tố hấp dẫn các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Theo số liệu công bố, số lượng sinh viên CNTT tốt nghiệp đạt khoảng 40.000 người/năm và hiện có khoảng 170.000 sinh viên đang học ngành CNTT.

Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch CLB hợp tác CNTT Việt Nam-Nhật Bản (VJC) cho biết, sự quan tâm đặc biệt của các DN CNTT Nhật Bản đối với Việt Nam đã dẫn đến tình trạng khan hiếm khá trầm trọng nguồn nhân lực có khả năng sử dụng tiếng Nhật và các kiến thức chuyên môn. Thêm vào đó, từ nay cho đến năm 2020, nhu cầu nhân lực CNTT ở Nhật Bản cũng sẽ tăng đột biến, vì vậy, chắc chắn sự kham hiếm nhân lực CNTT của Nhật sẽ càng trầm trọng hơn và là động lực để DN Nhật tìm kiếm sự bù đắp từ các đối tác Việt Nam.

Năm 2014, Tổ chức tiên phong CNTT thành phố Sapporo (Sapporo IT Front - SITF) đã ký kết thoả thuận hợp tác cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) triển khai dự án “Tăng cường môi trường giáo dục để phát triển nguồn nhân lực có tiềm lực cạnh tranh cho ngành CNTT tại Hà Nội”.

Dự án do JICA tài trợ và sẽ kéo dài trong vòng 3 năm từ 2014-2016 với tổng kinh phí hỗ trợ là 60 triệu yên (hơn 12,5 tỷ đồng), do SITF chủ trì và VINASA là đơn vị phối hợp.

Mục tiêu của dự án bao gồm các hoạt động như xây dựng giáo trình và chương trình đào tạo phù hợp cho Việt Nam; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các giảng viên nguồn và các kỹ sư nguồn cho các DN CNTT của Việt Nam. Dự án sẽ đào tạo trên 130 kỹ sư nguồn và 10 giảng viên trình độ cao cho Việt Nam.

Nguồn www.chinhphu.vn