Tham gia Hội thảo có lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo 14 tỉnh vùng Tây Bắc được thụ hưởng từ Chương trình này.
Hội thảo này là nội dung quan trọng trong kế hoạch của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia, giai đoạn 2013-2018 do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì.
Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Mục đích của Hội thảo là trao đổi về phương pháp xây dựng và cấu trúc của Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và các bộ công cụ phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đồng thời, Hội thảo cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học đang tham gia thực hiện Chương trình Khoa học công nghệ vùng Tây Bắc gặp gỡ, trao đổi với các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở 14 tỉnh vùng Tây Bắc cũng như các bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở đó thống nhất về phương thức tổ chức triển khai, chuyển giao và ứng dụng các kết quả của Chương trình, theo đúng phương châm “thiết thực, khả thi, hiệu quả”.
Theo kế hoạch, việc triển khai chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc được phân kì làm hai giai đoạn: 2013-2015 và 2016-2018. Giai đoạn 1 tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, điều tra bổ sung đến năm 2015 có được bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành về vùng Tây Bắc. Chương trình sẽ triển khai mô hình kinh tế và mô hình phát triển kinh tế cho một số địa phương, khởi động một số nhiệm vụ chuyển giao giải pháp khoa học và công nghệ sử dụng hợp lý tài nguyên , bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2 chương trình, tập trung đẩy mạnh việc triển khai, nghiên cứu, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ, các dự án sản xuất thử nghiệm vào đời sống và xây dựng mô hình phát triển, đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.
Hội thảo “Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” nhằm báo cáo kết quả triển khai bước đầu của Chương trình và tiếp nhận các ý kiến đóng góp hoàn thiện khung phân tích của đề tài năm 2013.
Hội thảo được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là đại diện lãnh đạo các địa phương trong Vùng với nhiều ý kiến góp ý có chất lượng chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn quý báu để Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc và các nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn chỉnh sản phẩm khoa học các đề tài theo hướng thiết thực và hiệu quả, đảm bảo có tính ứng dụng cao.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội thảo - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu, là địa bàn chiến lược về an ninh quốc phòng và truyền thống cách mạng trung kiên. Tuy nhiên, quá trình phát triển của vùng còn gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Đồng bào các dân tộc nơi đây thiếu đất sản xuất, thiếu nước để sinh hoạt và canh tác, giao thông đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.
Trước thực trạng trên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển vùng Tây Bắc. Thời gian qua, đã triển khai 16 chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi các tỉnh đã giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội trong vùng, đời sống đồng bào các dân tộc đã từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, các chương trình triển khai chưa dựa trên các cơ sở khoa học được nghiên cứu kỹ lưỡng có tính liên ngành theo hướng tiếp cận bền vững, dẫn đến chưa đưa ra được triết lý phát triển an toàn, chưa có cơ sở để quản lý liên ngành, kết quả nghiên cứu chưa đi vào cuộc sống.
Để khắc phục thực trạng trên, Chính phủ đã giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì Chương trình Khoa học và công nghệ vùng Tây Bắc phục vụ cho phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng tư vấn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng để tổ chức tư vấn, xác định nhiệm vụ phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương và phối hợp chỉ đạo triển khai để tránh trùng lắp với các nhiệm vụ KH&CN đã và đang triển khai ở các bộ, ngành. Đại học Quốc gia Hà Nội tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương, UBND các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang… trong việc xác định nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn của địa phương như phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với các di sản thiên nhiên ở vùng Tây Bắc, khai thác năng lượng nhiệt, trồng cây dược liệu, phát triển liên kết vùng trên cơ sở chuỗi giá trị hàng… để triển khai các năm tiếp theo.
Trong năm nay và những năm tiếp theo, Ban chủ nhiệm Chương trình tổ chức nghiên cứu, chuyển giao KH&CN để khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng, từ đó xây dựng quy trình công nghệ và một số mô hình sinh kế cho đồng bào, phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng địa phương. Đồng thời, tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm có cơ sở khoa học, giải pháp tổng thể góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biên giới.
Nguồn www.chinhphu.vn