Hội thi STKT được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Qua 2 lần tổ chức hội thi, toàn tỉnh có 50 giải pháp STKT tham dự; trong đó, 22 giải pháp đoạt giải, tập trung ở các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y dược… Đến nay, một số giải pháp trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, được áp dụng rộng rãi trong cuộc sống. Cụ thể, ở Hội thi lần thứ I, giải pháp “Sinh sản giống và nuôi cá bống tượng” của anh Nguyễn Văn Hảo (ở xã Hộ Hải, Ninh Hải) có tác dụng góp phần vào đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nguồn giống chất lượng cao cho hộ nuôi.
Giải pháp “Công nghệ chế tác khối cầu đá phong thủy” của anh Nguyễn Phương,
đoạt giải nhì Hội thi STKT tỉnh lần thứ II.
Hay như giải pháp “Máy trợ thở cá nhân” của anh Hồ Tăng Hoạt (ở phường Thanh Sơn, Tp.Phan Rang - Tháp Chàm) rất tiện ích trong cấp cứu bệnh nhân, không những được sử dụng có hiệu quả ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mà còn được các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh đặt mua. Riêng ở Hội thi lần thứ II, đáng chú ý là giải pháp “Trồng thử nghiệm cây râu mèo để nhân rộng mô hình sản xuất hàng hóa cây dược liệu tại Ninh Thuận” của anh Bùi Văn Kỳ, Sở Y tế, có hiệu quả kinh tế; hoặc giải pháp “Mô hình điều khiển cánh tay máy năm bậc tự do bằng PLC” của anh Trần Văn Linh, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận, được hình thành từ thực tế và yêu cầu nâng cao hiệu quả giảng dạy. Đặc biệt, giải pháp “Công nghệ chế tác khối cầu đá phong thủy” của anh Nguyễn Phương (ở phường Phước Mỹ, Tp.Phan Rang - Tháp Chàm) đoạt giải Nhì tại Hội thi STKT lần II (không có giải Nhất) và được chọn gửi đi dự Hội thi STKT toàn quốc lần thứ 12 năm 2013.
Từ những kết quả trên, cho thấy qua các lần tổ chức Hội thi đã khơi dậy và phát huy được tiềm năng sáng tạo về khoa học và công nghệ trong mọi tầng lớp nhân dân. Hầu hết những giải pháp đoạt giải cao là của các tác giả thuộc thành phần lao động tự do, có trình độ học vấn chưa hết phổ thông. Điều này đã chứng minh, chỉ trong thực tiễn sản xuất cuộc sống, con người mới có ý tưởng sáng tạo. Qua đó, đã xóa bỏ được tâm lý e ngại của người lao động phổ thông, cho rằng “sáng tạo kỹ thuật” là cái gì to lớn, chỉ dành cho các nhà khoa học…
Tuy nhiên, nhìn nhận lại thời gian qua, Hội thi vẫn còn những hạn chế cần phải quan tâm. Trong đó, số người tham gia còn khiêm tốn, chưa thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước, chưa huy động và phát huy hết tiềm năng sáng tạo trong lao động của toàn dân trong lĩnh vực KHKT, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Bên cạnh đó, các giải pháp dự thi nhìn chung thể hiện tính sáng tạo còn thấp so với yêu cầu đặt ra, chính vì vậy, đến nay ở tỉnh ta vẫn chưa có giải pháp nào đoạt giải cấp quốc gia. Đồng chí Đỗ Trung Thu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thi, cho biết: Nguyên nhân tồn tại là do một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo phong trào. Lẽ ra, UBND các huyện, thành phố phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa của hoạt động sáng tạo, tổ chức hội thi cấp cơ sở để phát hiện các “nhà sáng chế” tiềm năng, nhưng thực tế hiện nay các địa phương, đơn vị cũng chỉ mới dừng lại ở việc lập kế hoạch, chưa có biện pháp tích cực đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và động viên nhân dân tham gia.
Để khuyến khích toàn dân tích cực tham gia Hội thi trong những lần tiếp theo đạt kết quả cao hơn, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận những giải pháp đoạt giải trong các lần thi tương đương sáng kiến cấp tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Hội thi STKT lần III (2014-2015). Theo đó, thành lập Ban Tổ chức Hội thi gồm những thành viên có năng lực, tâm huyết trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai hội thi, tạo ra phong trào thi đua lao động STKT cả bề rộng lẫn chiều sâu, nhằm phát huy tiềm năng, khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật, quần chúng nhân dân lao động tham gia nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để ngày càng có nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống. Yêu cầu các cấp, ngành nâng cao nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và có hành động cụ thể, thiết thực đối với Hội thi STKT để khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Hội thi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ trí thức, khoa học trước những đòi hỏi của sản xuất và đời sống, tích cực lao động sáng tạo góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tỉnh nhà…
Anh Tùng