Công bố 5 Luật và 1 Nghị quyết

Chiều 10/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 5 Luật và 1 Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì buổi họp báo.
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Các luật và Nghị quyết được công bố gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Đầu tư công; Luật Phá sản; Luật Hải quan; Luật Bảo vệ môi trường và Nghị quyết về gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay. Các Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa có 3 Điều, trong đó, Điều 1 gồm 25 khoản, Điều 2 gồm 10 khoản và Điều 3 gồm 3 khoản.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Tấn Viên, Luật sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định phải đăng kiểm đối với các phương tiện loại nhỏ không có động cơ tải trọng từ 5 tấn đến dưới 15 tấn do đây là các phương tiện thô sơ, có trọng tải không lớn. Tuy nhiên, để đảm ảo an toàn của phương tiện và tăng cường sự quản lý nhà nước, các phương tiện này phải bảo đảm các điều kiện an toàn khi hoạt động trên đường thủy nội địa theo quy định và phải đăng ký.

Nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông của phương tiện và bảo vệ môi trường, Luật đã bổ sung quy định “phương tiện phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ. Đối với phương tiện nhập khẩu còn phải bảo đảm niên hạn sử dụng của phương tiện được phép nhập khẩu theo quy định của Chính phủ.

Thứ trưởng Trương Tấn Viên cũng cho biết, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về tín hiệu của phương tiện để phù hợp với Quy tắc quốc tế phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển năm 1972 nhằm đảm bảo an toàn giao thông...

Luật Phá sản gồm 14 chương, 133 điều quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tưởng Duy Lượng, một trong những điểm mới của Luật Phá sản là không còn dùng khái niệm “Lâm vào tình trạng phá sản” mà dùng khái niệm “Mất khả năng thanh toán” và nội hàm của khái niệm "Mất khả năng thanh toán" được xác định cụ thể, rõ ràng hơn, có nhiều điểm khác biệt so với Luật Phá sản 2004.

Để có căn cứ pháp lý cho việc thương lượng giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Luật Phá sản bổ sung quy định về thương lượng trước khi thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ nợ.

Luật Phá sản cũng quy định rõ về xác định tiền lãi đối với các khoản nợ....

Ông Tưởng Duy Lượng cho biết, hiện nay, Tòa án Nhân dân tối cao đang khẩn trương chuẩn bị các công việc cần thiết nhằm bảo đảm thi hành tốt Luật Phá sản như: Tổ chức tập huấn, xây dựng văn bản hướng dẫn...

Luật Bảo vệ môi trường gồm 20 chương, 170 điều, quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh, một trong những điểm mới chính trong Luật là đã có một chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay, thể chế hóa một số nghị quyết của Đảng về nội dung này.

Bên cạnh đó, Luật có một Chương quy định về bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm bảo đảm tính thống nhất và toàn diện của Luật Bảo vệ môi trường. Chương này chỉ quy định những nội dung cơ bản, có tính nguyên tắc, không có sự trùng lặp với những nội dung dự kiến được xây dựng trong Luật Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng.

Mặt khác, Luật đã xây dựng mới nội dung về quy hoạch bảo vệ môi trường; quy định cụ thể hơn về nội dung cần phải có của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; bổ sung quy định về cam kết bảo vệ môi trường...

Luật Đầu tư công gồm 6 chương, 108 điều quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công thuộc đối tượng áp dụng của Luật.

Giới thiệu những nội dung mới của Luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu nhấn mạnh: Nội dung mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công là đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đây là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước; ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư.

Luật đã đổi mới một cách căn bản, tạo ra sự thay đổi về chất đối với công tác lập kế hoạch đầu tư bằng việc chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đây là điểm đổi mới rất quan trọng trong quản lý đầu tư công và phù hợp thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, Luật quy định theo hướng tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công...

“Với những nội dung chế định pháp luật một cách đồng bộ, đổi mới và có hệ thống, việc ban hành và thực hiện Luật Đầu tư công sẽ tạo ra những chuyển biến mới trong việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội” – Thứ trưởng Đào Quang Thu khẳng định.

Luật Hải quan (sửa đổi) gồm 8 Chương, 104 Điều quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của hải quan.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho hay, một trong những điểm mới của Luật Hải quan là thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử. Đây là phương thức căn bản để giảm bớt thời gian và chi phí làm thủ tục hải quan cho cả người khai hải quan và cơ quan hải quan, tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa nhanh chóng.

Luật cũng quy định chung thống nhất về hồ sơ hải quan theo hướng chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan.

Điểm mới quan trọng khác là Luật quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Theo đó, cơ quan hải quan sẽ áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải; hỗ trợ hoạt động phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Nghị quyết về gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay là điều ước quốc tế được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các hãng hàng không.

Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng những ưu đãi nhất định từ các bên sản xuất tàu bay, tổ chức tín dụng quốc tế.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam