Văn phòng Chủ tịch nước công bố 6 luật mới

Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố một số luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì buổi họp báo.

Theo đó, 6 Luật được công bố gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật xây dựng; Luật hôn nhân và gia đình; Luật công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam.

Trừ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày công bố, các Luật còn lại có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì buổi họp báo. 
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Tạo thuận lợi và thu hút người dân tham gia BHYT

Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật bảo hiểm y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết: Trong tổng số 52 điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung 28 điều từ chương I đến chương IX. Trong đó, điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ là đã sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Đồng thời, bổ sung quy định mức hưởng BHYT được xác định theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT; bổ sung quyền lợi, nâng mức BHYT và mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, Luật sửa đổi quy định cụ thể các đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; bổ sung quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi. Từ ngày 1/1/2016 sẽ mở thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa tuyến huyện và tuyến xã trên cùng địa bàn tỉnh.

“Nhiều điểm mới trong Luật thể hiện tính đột phá, thay đổi theo hướng mở rộng quyền lợi, tạo thuận lợi và thu hút người dân tham gia BHYT và thực hiện định hướng tới BHYT toàn dân", Thứ trưởng Nguyễn Thành Long khẳng định.

Khắc phục tình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch treo

Giới thiệu về Luật xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh nêu rõ: Luật xây dựng 2014 là công cụ quan trọng kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng, bảo đảm an toàn cộng đồng, chống lãng phí, thất thoát. Luật xây dựng gồm 10 chương, 169 điều tăng 1 chương, 45 điều so với Luật Xây dựng (2003), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng bảo đảm xây dựng theo quy hoạch và có kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, đầu tư theo phong trào dẫn đến thất thoát lãng phí các nguồn lực; đổi mới việc kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng nhằm chông thất thoát, lãng phí và nâng cao chất lượng công trình; đổi mới cơ chế quản lý chi phí nhằm quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thông qua hợp đồng xây dựng.

Đáng chú ý, Luật bổ sung 1 chương riêng về “giấy phép xây dựng” nhằm thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, bảo đảm công khai, minh bạch về quy trình cấp giấy phép xây dựng.

Trước băn khoăn của phóng viên về hướng xử lý “Người có trách nhiệm công bố quy hoạch xây dựng trong trường hợp không tổ chức công bố, công bố chậm, công bố sai nội dung quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt” theo quy định tại khoản 6 Điều 41 Luật, Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn Bộ sẽ xây dựng chế tài về vấn đề này. “Thực tế đã có trường hợp công bố chậm quy hoạch bị phê bình còn sai thì chưa có” - Thứ trưởng nói.

Tạo điều kiện cho hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

 

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam tại buổi họp báo. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, so với Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và các văn bản hướng dẫn hiện hành, Luật quy định rõ nguyên tắc người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Quy định này nhằm tránh phát sinh phức tạp trong quan hệ đối ngoại, hình sự, dân sự, cũng như bảo đảm công tác thống kê nhà nước chính xác; quy định cụ thể các trường hợp được miễn thị thực, các trường hợp bị buộc xuất cảnh và thẩm quyền buộc xuất cảnh…

Đáng chú ý, Luật quy định điều kiện và thẩm quyền quyết định đơn phương miễn thị thực, đặc biệt quy định quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn không quá 5 năm và được xem xét gia hạn nhằm tránh tình trạng phát sinh những phức tạp đối ngoại khi dừng đơn phương miễn thị thực…

Luật gồm 9 chương 55 điều quy định nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Không quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Khẳng định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam là một đạo luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến quyền có quốc tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý cho mối quan hệ gắn bó của công dân với Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho hay: Luật có nội dung mới quan trọng không quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam như Luật quốc tịch năm 2008 và bổ sung quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam”. Thứ trưởng nhấn mạnh, quy định như vậy nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được quy định tại Điều 18 của Hiến pháp và Điều 7 của Luật quốc tịch Việt Nam; xác định đây là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương đất nước, đồng thời bảo đảm tốt hơn lợi ích thiết thực của người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Giới thiệu điểm mới cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: Luật bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhằm tránh sự phân biệt, kỳ thị đối với người đồng tính và can thiệp vào quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 8 Luật cũng quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” để thể hiện quan điểm hôn nhân phải là sự liên kết giữa hai người khác giới tính.

Một trong những điểm mới rất quan trọng của Luật này là bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Để bảo đảm việc mang thai hộ được thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa và tránh những hệ luỵ cho gia đình, xã hội, Luật đưa ra các quy định chặt chẽ về điều kiện mang thai hộ và những vấn đề khác liên quan.

Luật hôn nhân và gia đình gồm 9 chương, 133 điều quy định chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành vien gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố hôn nhân và gia đình.

Mở rộng phạm vi công chứng

Luật công chứng gồm 10 chương, 81 điều quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, phạm vi công chứng theo quy định của Luật công chứng 2014 được mở rộng hơn so với Luật công chứng năm 2006. Theo đó, nhiệm vụ công chứng bản dịch được giao lại cho công chứng viên; công chứng viên chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch mà mình công chứng. Quy định này nhằm nâng cao chất lượng bản dịch, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức có yêu cầu chứng nhận bản dịch.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật là quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, đồng thời quy định rõ công chứng viên có nghĩa vụ tham gia tổ chức này, phù hợp với tính đặc thù của nghề công chứng viên và thông lệ quốc tế…

Thứ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp đang triển khai kế hoạch xây dựng 3 luật trên mỗi luật 1 Nghị định quy định chi tiết, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn bảo đảm luật đi vào cuộc sống, tránh tình trạng nợ đọng, bảo đảm hiệu lực thi hành./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam