Đánh bắt cá bằng xung điện - hành vi nguy hiểm

(NTO) Không khó để bắt gặp hình ảnh những người đàn ông mang bên hông chiếc bình ắc-quy, hai tay cầm hai cần tre có dây dẫn điện, đi men theo các kênh, mương để đánh bắt cá. Đây không chỉ là hành vi nguy hiểm đối với bản thân mà còn hủy hoại hệ sinh thái nước ngọt.

Đa số các thiết bị xung điện này do người dân tự chế, có thiết kế khá đơn giản, bao gồm một bình ắc-quy 12 V với bộ phận kích điện lên tới 220V, 2 cần tre dài từ 2 – 3m có dây dẫn điện nối 2 cực âm – dương (một cần gắn thanh sắt nhọn, một cần gắn vợt khung sắt và lưới mắc nhỏ). Khi đưa 2 cần xuống nước, bật công tắc thì tạo ra dòng điện mạnh khiến các loài sinh vật trong phạm vi bán kính từ 2 – 3m bị chết hoặc thương tổn. Với cách đánh bắt này, vùng nước bị tác động trở thành “vùng nước chết”, các sinh vật, kể cả trứng, ấu trùng đều bị hủy diệt, phải mất nhiều năm mới hồi phục. Đáng nói, dòng điện của thiết bị đánh bắt này rất nguy hiểm đối với người trực tiếp sử dụng. Tuy nhiên, khi được hỏi có lo sợ cho tính mạng của bản thân hay không, nhiều người bình thản: “Chắc không đến nỗi bị giật chết! Mình cẩn thận tí là được.” Một số người dùng xung điện đánh bắt cá cũng cho biết thêm, việc bị giật “tê tê” là thường xuyên. Có trường hợp người sử dụng bị giật bất tỉnh, và không ít người đã tử vong trong lúc chích cá bằng thiết bị này.

Với những tính chất nguy hiểm đó, việc dùng xung điện để đánh bắt cá đã nằm trong danh mục hành vi khai thác thủy sản bị cấm. Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2-1-1998, nêu rõ: Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước. Theo Điều 15 của Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-11-2013, thì hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Quy định rất cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên, rất ít người biết hành vi dùng bình ắc-quy để chích cá là vi phạm pháp luật. Thực tế, ngay cả đơn vị xử phạt là UBND cấp xã, phường cũng gặp khó khăn và lúng túng trong việc giám sát, bắt quả tang và xử phạt các trường hợp vi phạm. Chưa kể, nhiều địa phương còn thiếu sự quan tâm đến vấn đề này. Thế nên, không chỉ khu vực nông thôn mà ngay trên địa bàn thành phố, việc dùng xung điện để đánh bắt cá vẫn còn diễn ra thường xuyên.

Cùng với nạn ô nhiễm môi trường, kiểu đánh bắt “tận diệt” bằng xung điện đang khiến lượng thủy sản nước ngọt ngày một ít dần. Việc mang bình ắc-quy đi chích cá không những không còn ý nghĩa về lợi ích kinh tế như trước đây mà ngược lại, còn là trò “cá cược” nguy hiểm với chính tính mạng bản thân và môi trường sống. Khi một “mắc xích” của hệ sinh thái bị tổn thương sẽ ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hệ sinh thái và môi trường tự nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc làm suy giảm khả năng “tự phục hồi” của thiên nhiên trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng. Hủy hoại môi trường tự nhiên cũng chính là hủy hoại môi trường sống của chính chúng ta.