Đến thăm hộ anh Nguyễn Nhiên, ở thôn 3 - nông dân đi tiên phong trong chuyển đổi cây trồng, cho biết: Khu đất của anh rộng 0,5 ha trước đây trồng đủ các loại cây, năm nào có mưa nhiều thì trồng lúa, ít mưa trồng đậu. Sản xuất phụ thuộc vào nước trời nên vụ được, vụ mất, tính ra thu nhập không ổn định. Cách đây 2 năm, anh về xã Phước Hậu, Phước Thuận (Ninh Phước) học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi 2 sào đất sang trồng táo. Năm 2013 cắt 3 lứa táo bán được hơn 100 triệu đồng, tính ra mỗi ha cho thu nhập 500 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Nông dân xã Phước Ninh chăm sóc bắp vụ hè-thu. Ảnh:Văn Miên
Không riêng gì anh Nhiên, mà ở Nhị Hà còn có nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình cây trồng chịu hạn có hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể. Với 3 ha đất trồng lúa, đậu, năng suất bếp bênh, cách đây 3 năm hộ ông Nguyễn Kim Anh, ở thôn 2 đã chuyển đổi 1 ha sang mô hình trồng cây mãng cầu, thanh long kết hợp cho thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Đồng chí Tôn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Nhị Hà, cho biết: Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến nay, toàn xã đã chuyển đổi hơn 50 ha đất màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái như xoài, táo, ổi, thanh long... Qua thực tế sản xuất, các loại cây trồng trên phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, ít sử dụng nước, có giá trị kinh tế cao, trong đó nổi bật là cây táo đã khẳng định ưu thế vượt trội. Hiện tại, từ Dự án Hỗ trợ Tam nông, Ban Phát triển xã đã thành lập các nhóm đồng sở thích trồng táo để hướng sản xuất trên quy mô lớn. Hội Nông dân xã cũng đã tổ chức cho nông dân tham quan mô hình trồng táo tại hộ anh Nguyễn Nhiên để nhân rộng trên toàn xã.
Phong trào chuyển đổi cây trồng chịu hạn không chỉ phát triển mạnh ở các xã diện tích đất màu lớn như Nhị Hà, Phước Hà, Phước Ninh mà ngay như xã Phước Nam nơi trước đây chủ yếu canh tác lúa nước cũng có xu thế chuyển đổi một phần đất sang trồng các loại cây màu, cây ăn trái. Đồng chí Não Văn Nhủ, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trước đây hầu như toàn bộ đất sản xuất ở địa phương chỉ có trồng lúa nước. Để nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất, chủ trương của xã là chuyển đổi một số diện tích đất lúa ở gò cao, khó theo nước sang trồng các loại cây chịu hạn. Diện tích táo, nho ở xã vì thế từ chỗ vài ha đến nay đã tăng lên 56 ha. Tất cả các hộ thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng đều thành công. Ngoài cây nho, táo thì gần đây bà con còn đưa vào sản xuất một số loại cây trồng mới. Cụ thể như anh Lê Khánh ở thôn Văn Lâm 4 sử dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm sản xuất 1 ha đu đủ, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Hộ anh Nguyễn Văn Phong (thôn Nho Lâm, xã Phước Nam)
chuyển đổi 2 sào đất sang trồng táo cho thu nhập cao.
Sản xuất nông nghiệp ở Thuận Nam gặp khó khăn do nhiều đồng đất không chủ động nguồn nước, vào mùa khô hạn các hồ đập trên địa bàn, như: Hồ Suối Lớn, hồ Bầu Ngứ, hồ Tân Giang, hồ Sông Biêu, hồ CK7 không tích đủ nước phục vụ sản xuất. Từ thực tế đó, chủ trương chung của huyện là đẩy mạnh trồng các loại cây chịu hạn, có giá trị kinh tế cao như táo, nho, thanh long, đậu, bắp. Hình thức chuyển đổi là triển khai các mô hình thí điểm sau đó nhân rộng ra. Quá trình chuyển đổi bà con tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng mùa vụ, vùng đất, từng loại cây trồng nên đạt hiệu quả cao.
Đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Qua thời gian thực hiện chuyển đổi cây trồng chịu hạn, trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng trồng nho, táo tập trung, khẳng định được tính ổn định và bền vững. Hướng phát triển nông nghiệp của huyện trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng chịu hạn, chú trọng liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tạo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Anh Tùng