Khoa học và Công nghệ: Trên con đường đổi mới

Đồng chí Lê Kim Hùng
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

(NTO) Năm 2013 là năm có nhiều ý nghĩa đối với ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cả nước và của tỉnh Ninh Thuận: Quốc hội thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành Chương trình hành động 175-CTr/TU ngày 11-3-2013 để cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ngành KH&CN bắt đầu tiến trình đổi mới hoạt động và với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực và trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của đội ngũ cán bộ khoa học trong tỉnh, hoạt động KH&CN đã đạt một số kết quả quan trọng.

Năng lực quản lý đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh được nâng cao, tích cực kiểm tra đôn đốc tiến độ 46 đề tài, dự án. Tham mưu Hội đồng KH&CN tỉnh xác định nhiệm vụ và tuyển chọn các đề tài, dự án KH&CN có trọng tâm, không dàn trải, đã xét chọn được 6 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học mới. Tiến hành chuyển giao 50 hồ sơ kết quả nghiên cứu khoa học đến 10 cơ quan, đơn vị trong tỉnh để khai thác, sử dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

 
Cán bộ nữ Viện Nghiên cứu Cây bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố
chạy PCR kiểm tra gene kháng thuốc trừ cỏ của giống bông. Ảnh: Thanh Long

Hoạt động KH&CN cấp cơ sở đã có nhiều tiến bộ, năng lực cán bộ khoa học cấp huyện được nâng lên và đã triển khai tốt các dự án, mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ KH&CN tại địa phương. Tổ chức 16 lớp tập huấn cho 400 lượt cán bộ, nông dân, cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn huyện, thành phố nhằm phổ biến kiến thức, chuyển giao mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ KH&CN, quy trình xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ, các văn bản quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa,…

Tiềm lực về cơ sở vật chất, trang- thiết bị được quan tâm đầu tư, khởi công dự án Công trình Trung tâm thông tin ứng dụng tiến bộ KH&CN. Tích cực chuẩn bị đầu tư 3 dự án phát triển tiềm lực KH&CN: Đầu tư tăng cường trang- thiết bị đo lường thử nghiệm tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; đầu tư trang thiết bị phân tích kiểm nghiệm, thiết bị công nghệ thông tin tại Trung tâm; trại thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao.

Đẩy mạnh truyền thông KH&CN, phối hợp thực hiện 24 số Tạp chí KH&CN truyền hình, phát hành 12 số bản tin KH&CN, 4 số Thông tin KH&CN, thực hiện 24 chuyên trang KH&CN trên Báo Ninh Thuận nhằm phổ biến đến cán bộ, người dân trên địa bàn tỉnh về các hoạt động, thông tin về KH&CN trong và ngoài nước.

Thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN trong 3 năm hỗ trợ trên 62 doanh nghiệp (cao hơn 5,6 lần giai đoạn 2008-2010) với kinh phí hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng (cao hơn 6,5 lần giai đoạn 2008-2010), về đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, kiểm toán năng lượng, tham gia Chợ thiết bị và công nghệ, đổi mới và ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,... thương hiệu sản phẩm đặc thù của tỉnh đã được chứng nhận bảo hộ toàn quốc, như: Nho Ninh Thuận, Gốm Bàu trúc, Dệt thổ cẩm Mỹ nghiệp, Rau an toàn An Hải, Rau an toàn Văn Hải, Măng khô Bác Ái, tỏi Phan Rang và táo Ninh Thuận,...

Hoạt động của ngành KH&CN đã đóng góp tích cực tạo tăng trưởng, hiệu quả kinh tế, ổn định trật tự an tòan xã hội của tỉnh. Tuy vậy, các kết quả này mới là những bước đi đầu tiên trên con đường đối mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính, đổi mới tổ chức và hoạt động KH&CN.

 
Nông dân xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn chăm sóc nho xanh,
đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Sơn Ngọc

Năm 2014, phát huy kết quả đạt được, ngành KH&CN tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ KH&CN, từng bước làm cho KH&CN thực sự là động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Ngoài các hoạt động thường xuyên, ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như sau:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền Luật KH&CN (sửa đổi), Chương trình hành động 175-CTr/TU và Kế hoạch số 4032/KH-UBND ngày 29-8-2013 thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền về vai trò của KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Trên cơ sở các Nghị định, Thông tư triển khai Luật KH&CN (sửa đổi), tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện: cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ KH&CN, cơ chế khoán kinh phí, mua sản phẩm KH&CN cuối cùng theo kết quả đầu ra, giảm thiểu các thủ tục hành chính.

3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động KH&CN cấp cơ sở (huyện, thành phố) gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đôn đốc và phối hợp thực hiện thí điểm 1 - 2 huyện về Đề án nhân rộng các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản đặc thù của tỉnh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ KH&CN cấp huyện.

4. Tiếp tục tăng cường năng lực quản lý công nghệ, đẩy mạnh công tác thẩm tra công nghệ đối với các dự án đầu tư vào tỉnh. Tuyên truyền và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN. Hướng dẫn doanh nghiệp tiềm năng sớm chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN. Thực hiện dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, chú trọng doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng đề án và xúc tiến thành lập Quỹ phát triển KH&CN.

 
Cán bộ Trung tâm Thông tin - ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh phân tích mẩu nước. Ảnh: Duy Anh

5. Quan tâm đầu tư tiềm lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động các phòng thí nghiệm, phân tích, thử nghiệm của Trung tâm thông tin - ứng dụng tiến bộ KHCN và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đạt chuẩn quốc gia phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Trung tâm thông tin - ứng dụng tiến bộ KHCN” theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

6. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra về đo lường, chất lượng hàng hóa. Tích cực triển khai Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2013-2015 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

7. Đa dạng hóa, tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư xã hội cho KH&CN; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN.

8. Thực hiện tuyên truyền và tổ chức đào tạo cho các cơ quan hành chính cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh về: Nhận thức chung về hệ thống ISO; kỹ năng đánh giá nội bộ; kết hợp hệ thống ISO với Đề án 30 góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 tại các xã, phường thuộc tỉnh giai đoạn 2014-2016.

9. Phối hợp với một số cơ quan thuộc Bộ KH&CN tham mưu UBND tỉnh triển khai Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 28-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, ngành KH&CN của tỉnh sẽ thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhân dịp năm mới, thay mặt ngành KH&CN tỉnh kính chúc đọc giả Báo Ninh Thuận năm mới an khang, thịnh vượng, đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.