Ông Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam đánh giá đây là một vinh dự rất lớn cho Việt Nam vì Ủy ban Di sản thế giới là một trong những ủy ban chuyên môn quan trọng nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), có quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới việc công nhận các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; đánh giá tình trạng bảo tồn các Di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định các chủ trương, đường lối cũng như định hướng phát triển của Công ước bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (gọi tắt là Công ước Di sản thế giới).
Các đại biểu tiến hành bỏ phiếu bầu các thành viên Ủy ban Di sản thế giới. Ảnh: Bích Hà
Việt Nam tham gia Công ước Di sản thế giới từ năm 1987, đến nay đã có 7 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, phải sau 26 năm tham gia và có nhiều đóng góp tích cực, đến nay Việt Nam mới lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban quan trọng này.
Ông Đặng Văn Bài nêu rõ có được thành công này là do những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam trong suốt những năm qua nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là của toàn thể loài người.
Đồng thời, Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để tổ chức nhiều sự kiện, nhiều hội thảo, tập huấn quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo vệ di sản.
Nhờ đó, đến nay Việt Nam đã có một đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn di sản, đủ năng lực để đảm trách các nhiệm vụ chuyên môn khi trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới.
Ông Đặng Văn Bài nhấn mạnh để tăng cường thúc đẩy sự phát triển của Công ước Di sản Thế giới, trong thời gian tới, Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào việc bảo vệ vững chắc giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của các Di sản Thế giới trên lãnh thổ Việt Nam; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ các quốc gia thành viên, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và các nước đang phát triển có nhu cầu trong công tác quản lý, bảo vệ Di sản Thế giới; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự đóng góp của các cơ quan, địa phương liên quan, cộng đồng cùng chung sức vào công tác bảo tồn di sản; tiếp tục nghiên cứu, phổ biến rộng rãi giá trị nổi bật toàn cầu của các Di sản thế giới.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN