Mùa cũ nhẹ tênh !
Nghe nói Phan Rang vào mùa gió, cái gió của tháng mười, mười một mang đến cái lạnh chông chênh mỗi sáng sớm, cùng cái so vai run rẩy lúc chiều buông. Khí hậu Phan Rang vốn xưa nay khắc nghiệt, cái nắng cái gió của miền đất nghèo thách đố giới hạn chịu đựng của con người. Nhưng chỉ những người con của cái xứ sở nắng gió này ví như đóa hoa xương rồng đỏ tươi trên cát nóng - mới hiểu rằng Phan Rang cũng có những khúc giao mùa đẹp đến nao lòng! Cái lạnh hiếm hoi của những tháng cuối năm trên miền đất nóng đem lại những chênh chao, say sưa đến kì lạ. Gió thế, nhưng tối nào lũ học trò chúng tôi cũng lang thang khắp các nẻo phố Phan Rang, rồi dừng lại ở quảng trường ăn bắp nướng, rồi thích thú hứng lấy từng cơn gió lạnh căm, để về nhà ai nấy đều rét run nhưng trên môi vẫn đọng nét cười.
Những chiều một mình rong ruổi trong ngỏ nhỏ vắng tanh, giang tay muốn ôm cái lạnh se sắt vào lòng lại vừa muốn níu lấy ánh mặt trời cuối chiều đông nhòa nắng. Những sáng Chủ nhật nghỉ học cuộn mình trong chăn ấm mà nghe gió rít gào ngoài mái hiên lạnh lẽo. Ôi! Những ngày gió âm thầm ấy cứ trôi bình yên và lặng lẽ, cho đến tận sau này khi xa quê, tôi mải miết kiếm tìm nhưng vẫn hoài không thấy.
Những ngày Sài Gòn trống trải! Mấy hôm trước gọi điện về nhà, cha bảo quê mình vào mùa gió. Có lẽ mùa gió Phan Rang đã bén rễ ăn sâu trong tiềm thức tự bao giờ tôi chẳng hề hay biết, cho đến khi sống ở miền đất xa lạ chỉ cần nghe nhắc tới nó là lòng tôi bàng hoàng thắt lại. Tháng năm lững lờ trôi để lại trong tim người những phôi pha xưa cũ, nhưng trong tôi mùa gió xưa chẳng mất đi cũng không hề phai dấu. Nó chỉ đơn giản ngủ ngoan trong hồi ức, đến khi tôi mỏi mệt nó lại hiện lên rực rỡ, ngọt ngào chẳng gì che khuất nổi. Con người ta hạnh phúc khi có cái để bồi hồi, xao xuyến- mỗi lúc nhớ về kỷ niệm xưa, để mỉm cười mỗi khi nhắc đến. Ngày Sài Gòn lộng gió, giữa dòng người tan tầm tất bật, tôi vươn tay giữ lấy tia nắng cuối ngày như một thói quen giống chiều gió năm nào tôi từng níu lại !
Chiều Sài Gòn vương nắng, tôi đành lỗi hẹn với mùa xưa!
Trương Thị Hoàng Oanh