Tiết kiệm điện là “Quốc sách”: Tại Công ty May Tiến Thuận, ngoài sử dụng các loại đèn hiệu suất cao như: led, compact, huỳnh quang nhưng tiêu thụ ít năng lượng, DN đã mạnh dạn đầu tư thay thế máy may cơ bằng máy điện tử để TKĐ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Ông Hồ Tấn Ninh, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính công ty cho biết: “TKĐ là ưu tiên hàng đầu của DN chúng tôi. Bình quân mỗi năm, chúng tôi chi trả gần 3,6 tỷ đồng tiền điện, đây là một số tiền không nhỏ, nếu như không có các giải pháp TKĐ, tiền điện sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, lợi nhuận của công ty”.
Sản xuất hàng gia dụng quần áo tại công ty May Tiến Thuận. Ảnh Văn Miên
Cũng theo ông Ninh, để đẩy mạnh TKĐ, công ty May Tiến Thuận vừa phối hợp với Công ty tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh khảo sát, tư vấn các phương án TKĐ. Theo đó, trong thời gian đến, công ty sẽ áp dụng phương án TKĐ do công ty tư vấn đưa ra. Đó là, cải tiến hệ thống chiếu sáng thay thế đèn huỳnh quang T10 ở các xí nghiệp may sang đèn T5; lắp các bộ TKĐ cho hệ thống cơ máy may; cải tiến hệ thống nồi hơi, hệ thống máy nén khí… với phương án này, mỗi năm Công ty May Tiến Thuận sẽ TKĐ được 597.487kWh, tương đương với số tiền 763,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Vũ Thanh Hồng, Phó Giám đốc công ty Điện lực Ninh Thuận: Để TKĐ, các DN cần xây dựng hệ thống quản lý năng lượng giúp DN kiểm soát và duy trì kết quả thực hiện các biện pháp TKĐ, đảm bảo vấn đề quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được theo dõi thường xuyên và mang lại những kết quả lâu dài, bền vững; Bố trí sản xuất hợp lý để tận dụng cơ chế điện 3 giá; Sử dụng đèn compact thay thế đèn sợi đốt, sử dụng đèn huỳnh quang T5 tại khu vực văn phòng; Lắp biến tần cho các động cơ công suất lớn được sử dụng hiệu quả.
Tại Công ty TNHH Thông Thuận, một trong những DN được Điện lực Ninh Thuận đề nghị UBND tỉnh khen thưởng về thành tích TKĐ năm 2012. Ông Võ Văn Thiên, Giám đốc cơ điện-Công ty TNHH Thông Thuận, cho biết: là một DN chế biến thuỷ sản đông lạnh, nên công ty sử dụng điện năng rất lớn. Việc TKĐ để giảm giá thành sản phẩm luôn được DN ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh việc đầu tư mua các thiết bị mới, DN còn khuyến khích người lai động nghiên cứu, sáng chế các thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến… Hoạt động này không chỉ giúp cho công ty TKĐ hàng tỷ đồng mỗi năm mà còn góp phần nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Điển hình, sáng chế sử dụng bình năng lượng mặt trời vào nồi luộc tôm. Toàn công ty sử dụng 2 nồi luộc tôm sử dụng điện năng. Trước năm 2012, để luộc tôm sơ chế, bình quân mỗi tiếng đồng hồi, một nồi sử dụng hết 60kWh; cả năm 2 nồi sử dụng điện năng 302.400kWh, tương đương 600 triệu đồng. Nhưng từ năm 2012, với sáng kiến sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời vào nồi luộc tôm; bình quân mỗi tiếng mỗi nồi chỉ sử dụng 15kWH, cả năm 2 nồi tiêu thụ điện năng 75.600kWh, tương đương 151,2 triệu đồng. Tính ra tiết kiệm được mỗi năm gần 450 triệu đồng.
Với Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận, hiện Công ty có 4 nhà máy sản xuất gạch tuynen, hầu hết các máy móc, thiết bị trong công ty tiêu thụ năng lượng rất lớn, các động cơ có công suất lớn từ 30-132 kW. Hàng năm, Công ty chi khoảng gần 5,2 tỷ đồng tiền điện. Chính vì lượng tiêu thụ năng lượng điện chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, nên Ban lãnh đạo công ty luôn quan tâm cải tiến dây chuyền công nghệ để giảm suất tiêu hao năng lượng điện hoặc tận dụng năng lượng thừa vào sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh.
Sản xuất gạch Tuy nen tại máy gạch Tuy nen Du Long-Công ty CP xây dựng Ninh Thuận. Ảnh Văn Miên
Để giảm bớt chi phí TKĐ, từ năm 2011 Công ty thay thế toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact huỳnh quang để giảm thiểu điện năng tiêu thụ; xây dựng tường bao các khu nhà xưởng bằng vật liệu không nung nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên, thay cho đèn thắp sáng. Cải tạo toàn bộ phần mái của nhà xưởng xếp gạch thô, thay thế hoàn toàn tấm lợp phibrô xi măng bằng tấm lợp nhựa PC trong suốt. Việc thay thế tấm lợp phibrô xi măng bằng tấm lợp nhựa PC trong suốt vừa đảm bảo được độ bền, không vỡ khi va chạm mạnh, TKĐ thắp sáng vừa tận dụng được ánh sáng mặt trời giúp gạch thô khô nhanh hơn, đồng thời tiết kiệm thời gian nung ở các lò nung sấy. Công ty còn lắp đặt hơn các quạt công nghiệp treo có gắn thiết bị TKĐ tại hệ thống nhà xưởng góp phần giảm 10-20% điện năng tiêu thụ. Các thiết bị có sử dụng động cơ công suất lớn hạn chế sử dụng vào giờ cao điểm… Nhờ vậy, mỗi năm công ty TKĐ được 3,1% lượng điện sử dụng, tương đương khoảng 500 triệu đồng.
TKĐ trở thành “thói quen” của DN: Đây chỉ là 3 DN trong cả ngàn DN trên địa bàn tình hưởng ứng tích cực trong phong trào TKĐ do ngành điện phát động. Theo ông Nguyễn Vũ Thanh Hồng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận: “Trong giai đoạn hiện nay nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ngày càng tăng cao nhưng giá thành sản phẩm đầu ra đang bị cạnh tranh ngày càng lớn của các sản phẩm cùng loại, do đó các DN sản xuất sử dụng năng lượng với số lượng lớn càng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hành tiết kiệm năng lượng để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường tiêu thụ. Vì vậy, TKĐ là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần hạ giá thành sản phẩm và góp phần giảm áp lực trong công tác điều hành cung ứng điện trong những tháng mùa khô, đảm bảo duy trì sản xuất”.
Để tư vấn TKĐ cho các DN, ngay từ đầu năm, Điện lực Ninh Thuận đã làm việc với các khách hàng sản xuất công nghiệp có lượng điện tiêu thụ lớn để thoả thuận ký biên bản tiết kiệm lượng điện sử dụng trong năm. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp sử dụng TKĐ. Đến nay, 100% các DN trên địa bàn tỉnh đều đăng ký TKĐ; hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều xây dựng phương án TKĐ. Giải pháp ít tốn kém nhưng có hiệu quả được các DN quan tâm thực hiện trước hết là việc tính toán bố trí quy trình sử dụng điện thật hợp lý, khoa học như sắp xếp lại ca kíp “né” giờ cao điểm; tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên trong dây chuyền công nghệ và tại các phòng làm việc; dùng quạt điện, hơi nước làm mát trong các phân xưởng, căng tin, nhà ăn tập thể thay máy điều hoà không khí; cắt giảm trên 50% bóng đèn thắp sáng ở những nơi ít người qua lại, khu vực bảo vệ, hành lang, căngtin, bếp ăn, kho bãi; thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact TKĐ dùng làm ánh sáng trong dây chuyền công nghệ.
Giải pháp đổi mới công nghệ để TKĐ cũng được chú trọng, nhưng do chi phí đầu tư lớn nên các DN chọn phương án thay thế dần một số các thiết bị tiêu hao điện nhiều hoặc cải tiến dây chuyền công nghệ, tận dụng nhiệt lượng, hơi đốt. Cái chung nhất là các đơn vị đều thực hiện tốt biểu đồ phụ tải, hạn chế sản xuất và không dùng các thiết bị công suất lớn trong giờ cao điểm, để sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng tại DN một cách có hiệu quả, lâu dài, ổn định và tiết kiệm.
Xuân Bính