Sức lan tỏa từ những câu chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ

(NTO) Trong hai ngày 26 và 27-10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dành cho học sinh, sinh viên do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã diễn ra sôi nổi. Đồng chí Phan Đình Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đến dự.

37 thí sinh đã mang đến Hội thi những câu chuyện cảm động, sâu lắng về tình yêu thương và tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Nhận xét về Hội thi, đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Giám kháo Hội thi khẳng định: Những tình cảm mà các thí sinh thể hiện trong những câu chuyện về Bác Hồ đã chứng tỏ thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay luôn ghi lòng tạc dạ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại vì nước, vì dân và tấm gương đạo đức sáng ngời của lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh…

 
Đồng chí Phan Đình Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
và lãnh đạo Sở GD&ĐT trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Hội thi. Ảnh:Thanh Long

Tất cả đều mang đến hội thi sự chuẩn bị, đầu tư rất chu đáo thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm khi tham gia hội thi, và đồng thời cũng là tình cảm tôn kính đối với vị cha già dân tộc. Tuy mỗi thí sinh với một câu chuyện, phong cách trình diễn và chất giọng riêng… nhưng tất cả đều thể hiện được một tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn với Bác Hồ kính yêu. Ngoài việc tái hiện lại những câu chuyện chân thật về tấm gương đạo đức của Bác, các thí sinh còn chú trọng phân tích ý nghĩa sâu sắc, giá trị đạo đức cao cả, liên hệ thực tế sinh động để người nghe đồng cảm, rung động và hiểu sâu sắc về tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ. Ngoài giọng kể tốt, các tiết mục kể chuyện có sự minh họa sinh động bằng âm thanh, hình ảnh, đầu tư trang phục… đã góp phần tác động mạnh mẽ đến cảm xúc người xem. Không ít lần, cả hội trường đã chìm lắng trong cảm xúc và cũng không ít lần hội trường liên tục vỗ tay tán thưởng vì phần kể chuyện sinh động, hấp dẫn. Có những cảm xúc, những giây phút sâu lắng mà có lẽ cả thí sinh và người xem có mặt tại hội thi đều không bao giờ quên như: Em Chamaléa Thị Vy, học sinh lớp 6, Trường THCS Võ Thị Sáu (Bác Ái) đã rất xúc động khi kể câu chuyện “Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở trại Kim Đồng”; hay em Nguyễn Thị Cẩm Tiên, học sinh Trường THCS Lê Lợi (Ninh Sơn) liên tục giành được những tràng vỗ tay tán thưởng bởi giọng kể linh hoạt và phần minh họa sinh động…

 
Các em học sinh tham gia kể chuyện Bác Hồ.

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích cho các thí sinh xuất sắc nhất. Thí sinh Nguyễn Thị Cẩm Tiên, học sinh Trường THCS Lê Lợi (Ninh Sơn) giành giải Nhất với câu chuyện “Bác Hồ với trung thu độc lập đầu tiên”; hai giải Nhì được trao cho các thí sinh: Nguyễn Khánh Thư, Trường TH Phước Thiện (Ninh Phước) với câu chuyện “Chiếc vòng bạc” và Trần Thị Hiền Trang, Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Ninh Hải) với câu chuyện “Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở trại Kim Đồng”. Ngoài ra, Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh có phong cách kể chuyện hay nhất, trang phục đẹp nhất, thí sinh nhỏ tuổi nhất và thí sinh là người dân tộc thiểu số kể chuyện hay nhất.

Hội thi đã khép lại nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong lòng mọi người, đặc biệt là các học sinh, sinh viên. Hội thi đã thực sự là đợt tuyên truyền sinh động trong toàn ngành về tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà.

 
 
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT trao giấy khen cho thí sinh
Nguyễn Thị Cẩm Tiên (Trường THCS Lê Lợi, Ninh Sơn) đoạt giải Nhất. Ảnh: Duy Anh

Phát biểu tại lễ bế mạc hội thi, đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, để ý nghĩa của Hội thi tiếp tục được lan tỏa, ngành sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động, tuyên truyền sâu rộng các bài học về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến học sinh, sinh viên với mong muốn các em không ngừng nỗ lực học tập, làm theo gương Bác, xứng đáng là những chủ nhân tương lai vừa “hồng”, vừa “chuyên”; góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp như Bác hằng mong ước.