" Làm thật, ăn thật" ở thị trường Myanmar, Indonesia

Myanmar và Indonesia là những thị trường đã phát triển nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn có cơ hội tại đây nếu tìm ra thị trường cho riêng mình.

 
 Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Ngày 17/9, tại TP Hồ Chí Minh, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hội Doanh nhân Trẻ TP Hồ Chí Minh (YBA), Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp tổ chức hội thảo: “Làm ăn thật ở Myanmar và Indonesia - những kinh nghiệm thực tế”.

Rất nhiều đại diện của các công ty, tập đoàn đã phát triển kinh doanh tại thị trường Indonesia nhận định, Indonesia là thị trường đã phát triển, tràn ngập các sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn có cơ hội tại đây nếu tìm ra thị trường ngách cho riêng mình.

Ông Trương Cung Nghĩa, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường Trương Đoàn, cho biết sức hấp dẫn của thị trường Indonesia với dân số đông nhất khu vực Đông Nam Á có tốc độ đô thị hóa ngày càng cao. Nếu các sản phẩm của Việt Nam độc đáo, có bản sắc, tính năng tốt và mang lại giá trị cao cho người sử dụng hơn hẳn những sản phẩm cùng loại thì người tiêu dùng Indonesia sẵn sàng chấp nhận.

Vì vậy, các DN Việt Nam khi đưa hàng vào thị trường này, ngoài việc tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh so với những mặt hàng sẵn có ở thị trường cần chú trọng tới sự khác biệt về tính năng, mẫu mã và có chất lượng để cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm đặc trưng, các DN Việt phải chú trọng đến kênh phân phối tại thị trường có tốc độ tăng trưởng trong chi tiêu là 7,7% như Indonesia. Cách tốt nhất để đưa sản phẩm Việt Nam là phải thông qua nhà phân phối nội địa vốn đã thông thuộc đường đi, nước bước. Bởi lẽ, thị trường cạnh tranh, kênh phân phối phức tạp trên nền địa hình trải rộng.

Riêng thị trường Myanmar có rất nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam xâm nhập. Đó chính là những ưu đãi về các loại thuế, về chính sách xuất nhập khẩu, về nguồn nhân công rẻ. Với thu nhập của người dân Myanmar chưa cao và sản xuất trong nước còn hạn chế (hiện nay, có tới hơn 60% các sản phẩm tiêu dùng Myanmar phải nhập khẩu), chính vì vậy đây cũng là tiềm năng đáng chú ý.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản (Visan), Phó Chủ tịch LBC, để gia nhập thị trường Myanmar thành công và phát triển lâu dài, các DN Việt phải xây dựng thị trường chuyên biệt. Cần kiên trì để xây dựng thương hiệu và đeo bám thị trường. Trong quá trình kinh doanh cần tìm các đối tác có uy tín, năng lực và có thiện chí hợp tác. Xây dựng hình ảnh hàng Việt Nam chất lượng cao ngay trên thị trường của Myanmar để phát triển bền vững tại thị trường tiềm năng này.

Đại diện Công ty Group, doanh nghiệp đang kinh doanh thành công tại Myanmar cho biết các DN Việt Nam cần chú ý từ bao bì, đến thiết kế mẫu mã, quy cách, đặc biệt phải tìm kênh phân phối cũng như cách thức truyền thông phù hợp với năng lực tài chính và văn hóa địa phương. Có như vậy, hàng Việt Nam mới đứng vững và phát triển lâu dài tại thị trường Myanmar.

Nguồn Chinhphu.vn