Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, theo Hồ Chủ tịch, là “vì chính sách của Đảng đúng và thi hành chính sách ấy kịp thời và linh động”, “do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh”(1).
Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(2).
Chính quyền cách mạng vừa được thiết lập thì thù trong, giặc ngoài ra sức chống phá, cùng nhau mưu toan sâu xé, chia cắt đất nước ta, đặt đất nước ta trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Sau khi phát-xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, thực dân Pháp bám gót 1 vạn quân Anh vào miền Nam Việt Nam tước vũ khí quân Nhật, trở lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương. Đế quốc Mỹ, ngay từ năm 1942, khi Nhật sa lầy, Pháp yếu thế, đã có ý định gạt Pháp để thống trị Đông Dương qua tay sai là Tưởng Giới Thạch. Khi Nhật đầu hàng, 20 vạn quân Tưởng do tướng Lư Hán cầm đầu hùng hổ kéo vào miền Bắc nước ta, với âm mưu tiêu diệt Đảng ta, phá tan Mặt trận Việt Minh, giúp bọn phản cách mạng lật đổ chính quyền cách mạng.
Chỉ trong vòng một tháng (kể từ ngày đoàn quân đầu tiên của chúng đến Cao Bằng, ngày 21-8-1945), chúng thay thế quân Nhật đóng chiếm từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc. Ở những vùng quân đội Tưởng kéo đến như Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Yên, chúng tước vũ khí các đội tự vệ, bắt giữ cán bộ, giải tán chính quyền địa phương, cho bọn tay sai lập chính quyền phản cách mạng.
Âm mưu của Mỹ và Tưởng là dùng sức mạnh quân đội, cùng với bọn tay sai đã được nuôi dưỡng, cấu kết với bọn phản cách mạng, lập ra chính quyền tay sai ở trung ương và các địa phương. Chúng đòi cải tổ Chính phủ lâm thời, đòi 80 ghế trong Quốc hội cho bọn tay sai của chúng (Việt Quốc, Việt Cách); đòi trao cho bọn tay sai của chúng các chức Chủ tịch nước và Thủ tưởng Chính phủ, 7 ghế bộ trưởng chủ chốt. Thậm chí, có lần chúng đòi Hồ Chủ tịch phải từ chức, đưa Bảo Đại lên làm Tổng thống, và đòi thay cả quốc kỳ.
Những hoạt động phá hoại của quân đội Tưởng, cùng với hành động chống phá của bọn phản động tay sai đã đặt nước ta vào một tình thế hết sức nghiêm trọng. Chúng ta vừa phải đối phó với quân Tưởng và bè lũ tay sai (đứng đằng sau là đế quốc Mĩ), vừa phải đối phó với các cường quốc đế quốc Mỹ, Anh và Pháp đang âm mưu xâm chiếm nước ta.
Đứng trước tình hình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt, bình tĩnh xử lý tình thế vô cùng phức tạp và khó khăn ấy, đề ra đường lối đấu tranh cụ thể.
Để đối phó với quân Tưởng, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã thực hiện sách lược vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, tránh được trường hợp phải chống nhiều kẻ thù cùng một lúc để tập trung mũi nhọn chống thực dân Pháp, kẻ thù chính của dân tộc ta lúc này. Đảng ta chủ trương “Hoa - Việt thân thiện” để trung lập hóa bọn Tưởng; tạm thời nhân nhượng chúng để giảm bớt khó khăn mà chúng gây nên. Chúng ta chủ trương tránh xung đột với quân Tưởng, nhưng sẵn sàng đối phó bằng cách huy động toàn bộ lực lượng quần chúng đấu tranh, nếu chúng xâm phạm đến chủ quyền của chúng ta.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng những biện pháp đấu tranh thích hợp, phân hóa cao độ hàng ngũ quân Tưởng, lợi dụng triệt để những mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù để ngăn ngừa những hành động hung hăng can thiệp vào nội bộ nước ta; đồng thời, dựa vào lực lượng quần chúng, phát huy cao độ ưu thế tinh thần và chính trị của nhân dân để đánh bại mọi âm mưu thâm độc của chúng. Với tinh thần đó, Hồ Chủ tịch đã chấp nhận phương án thỏa hiệp: Chính phủ lâm thời được cải tổ thành Chính phủ liên hiệp, có sự tham gia của đại diện ba lực lượng chính trị (Việt Minh, Việt Cách và Việt Quốc). Nguyễn Hải Thần - thủ lĩnh Việt Cách, giữ chức Phó Chủ tịch Nước, Nguyễn Trường Tam - thủ lĩnh Việt Quốc, giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao… Cả hai đảng này đều được đảm bảo dành cho một số ghế đáng kể trong Quốc hội…
Nhiều người không tán thành phương án này. Có người chất vấn Hồ Chủ tịch, Người chỉ nói: “Phân có bẩn không? Nhưng dùng bón lúa tốt thì có dùng không. Trước khi bú no sữa mẹ, xin anh hãy nghĩ đến cái khát cháy họng đã. Tôi yêu cầu đồng chí hãy bình tĩnh, đừng mắc mưu khiêu khích do quân Tưởng bày đặt ra. Kiên nhẫn không phải ngoan ngoãn, dễ bảo, đó là một hình thức đấu tranh”(3).
Ngày 28-2-1946, Tưởng và Pháp ký kết Hòa ước Hoa - Pháp, thỏa thuận việc quân đội Tưởng rút khỏi lãnh thổ Việt Nam và quân đội Pháp thay thế quân đội Tưởng trước ngày 31-8-1946. Thỏa ước giữa Tưởng và Pháp đã đặt nước ta vào một hoàn cảnh hết sức phức tạp, tạo cớ cho thực dân Pháp xâm lược và phục hồi lại nền thống trị của mình trên toàn cõi Việt Nam. Sự gây hấn của Pháp ở Nam bộ vào đêm 22, rạng ngày 23-9-1945, đã đặt chúng ta trước sự lựa chọn, hoặc tiến hành chiến tranh hoặc thương lượng để tìm kiếm một thỏa hiệp chính trị mà cả hai bên đều có thể tạm thời chấp nhận được.
Để đẩy nhanh 20 vạn quân Tưởng về nước, bài trừ nội phản và bọn tay sai chống phá cách mạng, duy trì chính quyền cách mạng và tranh thủ thời gian xây dựng, củng cố lực lượng về mọi mặt, ngày 6-3-1946, Hồ Chủ tịch đã ký với Xanh-tơ-ny – đại diện Pháp, Hiệp định sơ bộ. Theo đó, Việt Nam thừa nhận đứng trong khối Liên hiệp Pháp; 15.000 quân Pháp được đổ bộ vào Bắc bộ và Trung bộ để thay thế quân Tưởng, và hai bên ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam…
Việc ký Hiệp định sơ bộ với Pháp đã gây nên những phản ứng khác nhau trong nước, mặc dầu Pháp phải công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do. Phát biểu tại một cuộc mít-tinh, Hồ Chủ tịch nói rõ: “Điều đình với Pháp là chứng tỏ sự khôn ngoan về chính trị của chúng ta… Tôi, Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết, chứ không bao giờ bán nước”(4). Người cũng khẳng định: “Ký Hiệp định ngừng bắn không có nghĩa là chấm dứt chiến tranh. Chúng ta phải tỏ thái độ thiện chí và cộng tác với quân đội Pháp, nhưng điều đó không có nghĩa là phải tỏ ra yếu ớt và cái gì cũng nhượng bộ chúng. Trái lại, hơn bao giờ hết, phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để ứng phó với mọi tình huống đột ngột có thể xảy ra” (5).
Tháng 5-1946, Hồ Chủ tịch và đoàn đại biểu nước ta đi Pháp để tiếp tục đàm phán với Chính phủ Pháp, với yêu cầu và nội dung cụ thể hơn, nhưng không thành công, vì thực dân Pháp không muốn đàm phán theo tinh thần bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Trước tình hình đó, Hồ Chủ tịch phải ký Bản tạm ước 14-9-1946 với Chính phủ Pháp, nhằm kéo dài thời gian thỏa hiệp, chuẩn bị lực lượng và chuẩn bị cho đất nước bước vào chiến tranh.
Nhưng thực dân Pháp nhanh chóng bội ước. Quân đội Pháp tấn công Hải Phòng, Lạng Sơn và ở Hà Nội. Vì vậy, đêm ngày 19-12-1946, chiến tranh đã nổ ra trong cả nước. Toàn thể nhân dân Việt Nam nhất tề đứng lên theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (6).
Chín năm kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu, giải phóng nửa nước (miền Bắc xã hội chủ nghĩa).
Nhìn lại những ngày đầu của chính quyền cách mạng, chúng ta càng thấy rõ sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt và tài tình của Đảng ta và Hồ Chủ tịch, thấy rõ sách lược “hòa để tiến” mà Hồ Chủ tịch khởi xướng, nhằm thêm bạn bớt thù, tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu (thực dân Pháp), là vô cùng đúng đắn. Sách lược đó đã tạo cho chúng ta có thêm thời gian, tạo được sức mạnh tinh thần, vật chất cho cả dân tộc và lực lượng vũ trang nhân dân bước vào chiến tranh với tư thế của người làm chủ đất nước. Điều đó càng chỉ rõ Hồ Chủ tịch là nhà chiến lược thiên tài, là người “Rất nguyên tắc về chiến lược lại rất linh hoạt về sách lược. Vừa nhìn xa trông rộng, vừa thiết thực cụ thể”(7). Người đã kết hợp chặt chẽ lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin với thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam vượt qua được chông gai và những phút hiểm nghèo trong thời kỳ đầu của chính quyền cách mạng non trẻ.
(1) Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, t.6, tr. 159. (2) Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, t.3, tr.557. (3), (5) Ép-ghê-nhi Cô-rô-lép (1985), Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, t.2, tr.148 và tr. 169. (4) Trường Chinh, Hồ Chủ tịch, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr.27. (6) Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, t.4, tr.480. (7) Võ Nguyên Giáp (1990), Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.28.
Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng