Hiện đã có 7 trường đại học, trung tâm được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân, đó là: Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội); Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh); Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Điện lực; Đại học Đà Lạt, Trung tâm đào tạo thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Đại học Đà Nẵng.
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN.
Bên cạnh đề án về phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân đã được Chính phủ phê duyệt, còn có Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được triển khai từ năm 2010, với tổng kinh phí thực hiện là 3.000 tỷ đồng (trong đó sử dụng từ ngân sách Nhà nước là 2000 tỷ đồng); Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Một số văn bản pháp luật cũng đang được xây dựng nhằm ưu đãi cho người làm việc trong ngành năng lượng nguyên tử. Điển hình là Nghị định quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Quyết định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Quyết định quy định chính sách ưu đãi, thu hút chuyên gia có trình độ cao làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Các bộ, ngành của Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các tập đoàn năng lượng nguyên tử, một số tổ chức quốc tế và trường đại học của Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Nga, Úc… tổ chức nhiều khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Bên cạnh các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại một số nước phát triển về điện hạt nhân cho sinh viên, bắt đầu từ năm 2010, mỗi năm có 70 sinh viên Việt Nam được cử sang Liên bang Nga đào tạo về điện hạt nhân.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN