Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2, thông qua ngày 11-11-2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2012. Để thi hành luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3-10-2012 Quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 3-10-2012 Quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng, quy định cụ thể, đầy đủ các vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về khiếu nại, tố cáo.
Để triển khai thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh chỉ thị:
1/ Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ sau đây:
a) Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý nghiên cứu và áp dụng thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011, Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3-10-2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 3-10-2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của toàn xã hội.
b) Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công khai kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành.
c) Thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp công dân, củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ảnh, kiến nghị tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành. Tạo điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí để trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân của cấp mình, ngành mình thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
d) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân ở sở, ngành, địa phương mình theo quy định pháp luật.
2/ Văn phòng UBND tỉnh: Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ tại mục 1 của chỉ thị này, có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức công tác tiếp công dân; tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, báo cáo định kỳ, đột xuất qua Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo với Thanh tra Chính phủ; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh về công tác tiếp công dân của Trụ sở tiếp công dân.
3/ Thanh tra tỉnh: Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ tại mục 1 của Chỉ thị này, có trách nhiệm:
a) Giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân; hướng dẫn các sở, ngành, địa phương về công tác, tổ chức, nghiệp vụ tiếp công dân; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh về công tác tiếp công dân.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành để tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản không còn phù hợp nhằm bảo đảm cho việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
4/ Sở Tư pháp: Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ tại mục 1 của Chỉ thị này, có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 và các văn bản pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân hiểu, thực hiện quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật.
b) Phối hợp với Thanh tra tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành để tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản không còn phù hợp quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
5/ Sở Nội vụ: Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ tại mục 1 của Chỉ thị này, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính nghiên cứu, triển khai thực hiện các quy định của nhà nước về chính sách, tiêu chuẩn, chế độ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân; chế độ khen thưởng người có thành tích trong việc tố cáo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.
6/ Sở Tài chính: Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ tại mục 1 của Chỉ thị này, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo kinh phí tập huấn nghiệp vụ về tiếp công dân; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân; nguồn kinh phí khen thưởng đối với người có thành tích trong việc tố cáo; kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân các cấp trên địa bàn tỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
7/ Công an tỉnh: Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ tại mục 1 của Chỉ thị này, có trách nhiệm tổ chức tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Công an các cấp làm tốt công tác nắm tình hình liên quan đến khiếu nại, tố cáo và chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền để giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả; bảo đảm an ninh, trật tự liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
8/ Đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, chấp hành các quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật. Giám sát trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với Thủ trưởng các cơ quan nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
9/ Tổ chức thực hiện:
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký ban hành. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Giao Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện và tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.