Hơn 40 học sinh của lớp 12 A3, - một trong những lớp do thầy Thi đứng lớp đã rất hào hứng, sôi nổi bày tỏ quan điểm, thể hiện kiến thức của mình về vấn đề chủ quyền biển, đảo.
Giờ học Địa lý về chủ đề biển, đảo của học sinh lớp 12A3,
Trường THPT Tôn Đức Thắng, huyện Ninh Hải.
Một giáo án điện tử được thầy Phạm Hoài Thi chuẩn bị công phu với những hình ảnh, bản đồ về biển, đảo Việt Nam; những tài nguyên khoáng sản và tiềm năng phát triển kinh tế… đặc biệt còn có cả những đoạn phim ngắn cung cấp những bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về Biển Đông và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Nhờ đó những con số, những kiến thức địa lý dường như khô khan, khó thuộc đã trở nên sinh động, dễ dàng khắc sâu vào trí nhớ học sinh. Giờ học kết thúc bằng tiếng vỗ tay đồng thanh của cả lớp khi cả thầy và trò cùng nhất trí với nhau về những hành động của tuổi trẻ nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển trên chính quê hương Ninh Thuận.
Để có những giờ học về biển, đảo như vậy, thầy giáo Phạm Hoài Thi đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức để sưu tầm, lựa chọn và thiết kế giáo án. “Nhưng rất vui khi những thông tin đó được học sinh hào hứng đón nhận. Các em sôi nổi thảo luận, mạnh dạn thể hiện quan điểm của mình… đôi lúc cả thầy và trò cùng say sưa với vấn đề chủ quyền biển, đảo tới mức cháy cả giáo án” – Thầy giáo Phạm Hoài Thi cho biết.
Không chỉ riêng thầy giáo Phạm Hoài Thi và ở Trường THPT Tôn Đức Thắng, việc lồng ghép kiến thức về chủ quyền biển, đảo vào các môn học đã được rất nhiều trường trên địa bàn tỉnh ta thực hiện. Mỗi trường, mỗi thầy, cô giáo ở mỗi bộ môn có một cách truyền đạt khác nhau nhưng theo ghi nhận của các giáo viên, tất cả học sinh đều rất thích. Em Đỗ Trần Hà My, học sinh lớp 82, Trường THCS Lê Hồng Phong, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm cho biết: Khi được học các kiến thức về chủ quyền biển, đảo trong các giờ ngoại khóa, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân… các bạn trong lớp đều rất thích. Qua những hình ảnh và thông tin mà thầy cô cung cấp, chúng em thấy càng thêm yêu biển, đảo quê hương, yêu các chú hải quân đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa… Em mong những kiến thức như thế này được các thầy cô dạy nhiều hơn nữa.
Nói về công tác giáo dục kiến thức biển, đảo trong trường học, đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Đây là điều hết sức cần thiết, vì vậy, sắp tới Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức biển, đảo cho cán bộ quản lý, giáo viên ở tất cả cấp học. Hướng dẫn các trường tích hợp, lồng ghép kiến thức về biển, đảo vào các môn học liên quan. Giới thiệu cho học sinh lớp 12 về lực lượng hải quân giúp các em có định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các phong trào viết thư cho các chiến sĩ hải quân, góp đá xây Trường Sa và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo quê hương trong trường học.
Bích Thủy