|
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
Đặc biệt qua nửa đầu nhiệm kỳ đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII vào cuộc sống, ngành GD&ĐT đã huy động mọi nguồn lực tích cực tham gia nâng cao chất lượng đào tạo các ngành học, cấp học tạo nên những thành tựu mới đáng tự hào trong đời sống giáo dục tỉnh nhà.
Tính đến tháng 4-2013, toàn tỉnh có 231 cơ sở giáo dục phổ thông công lập huy động 111.777 học sinh đến trường. Trong đó, cấp tiểu học có 150 trường, với 56.905 học sinh; cấp THCS có 63 trường, với 36.389 học sinh; cấp THPT có 18 trường, với 18.483 học sinh. Mạng lưới giáo dục mầm non phát triển rộng khắp các địa bàn dân cư, với 72 cơ sở mầm non công lập và 138 cơ sở mầm non ngoài công lập thu hút 20.654 cháu. Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp phát triển đa dạng với nhiều hình thức đào tạo, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Ninh Thuận hiện có một phân hiệu đại học, một trường cao đẳng sư phạm và hai trường trung cấp chuyên nghiệp thu hút 975 sinh viên theo học, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập.
Toàn ngành có trên 8.000 cán bộ quản lý và giáo viên hiện đạt chuẩn chuyên môn sư phạm, tâm huyết với nghề, tận tụy chăm lo dạy dỗ học sinh. Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lan tỏa sâu rộng trong các cơ sở giáo dục gắn với các phong trào thi đua của ngành đã tạo động lực nâng cao tinh thần trách nhiệm, thi đua dạy tốt trong giáo viên và thi đua học tốt trong học sinh, sinh viên. Ngành GD&ĐT huy động mọi nguồn lực đầu tư hàng ngàn tỷ đồng kiên cố hóa hệ thống trường học khang trang, thiết bị dạy học hiện đại bước đầu đáp ứng tốt nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Toàn tỉnh đã có 56 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 18% so với cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố giữ vững đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ và phổ cập giáo dục THCS.
Học sinh Trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Duy Anh
Cấp ủy, chính quyền các địa phương và các thầy, cô giáo quan tâm trợ giúp học sinh, sinh viên gia đình chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện đến trường. Chất lượng giáo dục các cấp học ngày càng được nâng cao, học sinh có học lực từ trung bình trở lên đạt 95%; hạnh kiểm từ trung bình trở lên đạt 99,5%; duy trì sỹ số đạt 98,4%; học sinh tốt nghiệp THPT năm 2012 đạt 99,95%; GDTX THPT đạt 89,43%; học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng đạt 19,73%. Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn xếp thứ 73 trong top 200 trường THPT có điểm thi tuyển sinh đại học dẫn đầu toàn quốc. Nhiều học sinh Ninh Thuận xuất sắc đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học danh tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. Học sinh đạt giải giỏi văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, giải toán trên máy tính cầm tay hàng năm đều tăng. Hệ thống GD&ĐT phát triển về quy mô và chất lượng khẳng định sức mạnh của việc huy động mọi nguồn lực tích cực tham gia xã hội hóa, đa dạng hóa hình thức đào tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào nói trên, ngành GD&ĐT tỉnh ta vẫn còn một số mặt hạn chế cần tiếp tục được khắc phục trong thời gian tới: Chất lượng và hiệu quả giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chưa đồng bộ, phương tiện dạy học còn thiếu; quỹ đất dành cho phát triển trường lớp đạt chuẩn quốc gia còn thiếu. Công tác khảo thí và quản lý chất lượng ở các cơ sở giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác dự báo nhu cầu và xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS còn bất cập. Giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao…
Giờ học của học sinh lớp 2A, Trường TH Phước Thành (Bác Ái).
Ảnh: Bích Thủy
Mục tiêu của ngành GD&ĐT từ nay đến năm 2015 là tiếp tục đổi mới công tác quản lý gắn với đổi mới phương pháp dạy học từ bậc mầm non đến đại học trên cơ sở đầu tư hoàn thiện hệ thống trường lớp, trang-thiết bị hiện đại. Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao một số ngành học phù hợp với điều kiện kinh tế và lợi thế của địa phương. Phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển ngành GD&ĐT đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác GD&ĐT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước mắt, toàn ngành tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5-12-2011, của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, củng cố kết quả giáo dục tiểu học, THCS và giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và tăng cường phổ cập ngoại ngữ, tin học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để học sinh noi theo. Tiếp tục đổi mới công tác thi cử, kiểm tra đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên. Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học. Khắc phục ngay các biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm và tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Thực hiện tốt chính sách, chế độ của Nhà nước đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Ngành GD&ĐT ứng dụng thiết bị mới nâng cao chất lượng học tập môn tiếng Anh trong các trường THPT
Ảnh: Sơn Ngọc
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII xác định nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp GD&ĐT giai đoạn 2011- 2015 là tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh cho giai đoạn mới. Đảng bộ, chính quyền đặc biệt quan tâm chăm lo đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí tham gia xây dựng tỉnh nhà. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành đoàn kết thi đua đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao toàn diện chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
Nguyễn Bá Ninh
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo