Theo PGS - NGND Lê Mậu Hãn, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, để thu hút học sinh đối với các môn khoa học xã hội đòi hỏi những giải pháp đồng bộ từ thay đổi nhận thức về môn học, nâng cao chất lượng biên soạn sách giáo khoa cũng như thực hiện đãi ngộ, tuyển chọn giáo viên.
PGS - NGND Lê Mậu Hãn. Ảnh: VGP/Phương Liên
Góp phần hình thành nhân cách con người
NGND Lê Mậu Hãn cho rằng trong hệ thống giáo dục của bất cứ quốc gia nào, các môn khoa học xã hội nói chung và môn Lịch sử nói riêng luôn là môn học bắt buộc và có vai trò quan trọng hình thành nhân cách, tư tưởng và tinh thần của mỗi người. Bác Hồ đã viết: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Nói riêng về ngành Lịch sử, những năm trước đây, ngành này ở nhiều trường như Đại học Tổng hợp trước đây và sau này là Đại Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Sư phạm Hà Nội… luôn là những trường có điểm tuyển sinh cao và được nhiều sinh viên giỏi theo đuổi. Nhưng đã từ lâu, mức độ thu hút của ngành Lịch sử ngày càng giảm, kéo theo điểm đỗ vào các khoa liên quan đến ngành Lịch sử cũng theo xu hướng thấp dần.
Chất lượng đào tạo môn Lịch sử, nhận thức và kết quả học tập của học sinh về môn học này không phải bây giờ chúng ta mới đề cập, mà thực trạng này đã diễn ra trong ngành giáo dục cả chục năm nay.
Trong nhiều năm nay, hầu như cả xã hội học tập đều coi môn lịch sử hay những môn xã hội khác là môn phụ, là môn thi của những người không học được khối A, B, D. Đã là môn phụ thì rất khó để học sinh quan tâm học hành tử tế, thầy giáo cũng mất hứng thú sáng tạo trong giảng dạy sao cho tốt.
Không những thế, sự lên ngôi của các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nghệ ở bậc đại học trong những năm qua cũng góp phần làm giảm vai trò của môn Lịch sử nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung.
PGS Lê Mậu Hãn cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là do cách dạy và học. Nếu thầy giỏi thì sẽ khiến môn học Lịch sử không phải là môn học buồn tẻ, toàn là những con số khô khốc và những chi tiết bề bộn, vô hồn, khó nhớ. Ngược lại, những sự kiện lịch sử sống động gắn với những nhân vật điển hình của mỗi giai đoạn lịch sử sẽ khắc sâu vào tâm khảm của học sinh. Đấy cũng là cách dạy có truyền cảm và có sức thuyết phục cao, giúp học sinh biết phân tích ý nghĩa của những sự kiện lịch sử và mối liên hệ giữa chúng với nhau để làm nên đặc điểm của mỗi giai đoạn lịch sử.
Dạy lịch sử trước hết là dạy học sinh biết cách học môn lịch sử, thầy giúp trò tập làm quen với việc khái quát hóa quá trình lịch sử, so sánh đặc điểm của các giai đoạn lịch sử, hệ thống hóa những kiến thức cơ bản về lịch sử các giai đoạn. Chứ không sa đà vào những chi tiết vụn vặt, không có tính điển hình, rất khó nhớ mà lại dễ quên.
Cần thay đổi đồng bộ cách dạy và học, chất lượng SGK
Bàn về thái độ của học sinh khi học lịch sử nói riêng và các môn xã hội nói chung hiện nay rất xem nhẹ, theo PGS Lê Mậu Hãn, các em có thái độ như vậy là do cả xã hội tác động tới các em. Khi xã hội coi trọng cái gì thì cái đó phát triển đó là điều tất yếu. Phương pháp của giáo viên có tốt bao nhiêu mà người học không xem trọng môn đó thì hiệu quả đạt được cũng không đáng kể.
Phần lớn học sinh từ đầu cấp THPT đều có tư tưởng “học lệch” khi chỉ chú tâm học các môn khoa học tự nhiên để phục vụ cho các kỳ thi đại học, cao đẳng sau này. Vì vậy, học sinh thường chỉ học đối phó, qua loa đối với các môn khoa học xã hội, cốt sao đủ điểm thi tốt nghiệp. Chính quan niệm “thi gì, học nấy” đã ảnh hưởng, chi phối tới sự lựa chọn này. Nhiều học sinh lựa chọn thi các khối thi có các môn khoa học tự nhiên như: Toán, Lý, Hóa, Sinh vì cho rằng cơ hội lựa chọn ngành nghề hết sức rộng rãi, hấp dẫn, có thu nhập cao. Trái lại, các ngành học có thi các môn khoa học xã hội vừa ít, lại kém hấp dẫn mà cơ hội xin được việc làm sau khi ra trường cũng gặp nhiều khó khăn.
Đề cập đến giải pháp để đưa các môn khoa học xã hội trở lại “thời hoàng kim” những năm trước đây, PGS Lê Mậu Hãn cho rằng, đó là vấn đề về nhận thức chung của xã hội, chứ không phải chỉ của ngành giáo dục và bản thân các giáo viên dạy Lịch sử. Để thay đổi thực trạng này hiện nay đòi hỏi những giải pháp đồng bộ từ thay đổi nhận thức về môn học, nâng cao chất lượng biên soạn sách giáo khoa cũng như thực hiện đãi ngộ, tuyển chọn giáo viên.
Theo PGS Lê Mậu Hãn, ngành giáo dục phải nghiên cứu thay đổi cơ cấu môn thi tốt nghiệp THPT khi mà quan niệm “thi gì, học nấy” vẫn đang ăn sâu trong nhận thức, suy nghĩ của nhiều học sinh, phụ huynh hiện nay. Môn Lịch sử cần được Bộ Giáo dục Đào tạo đưa vào môn thi bắt buộc trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp các cấp giống như môn Toán và môn Văn, thay vì là một môn lựa chọn như hiện nay.
Việc này sẽ tạo động lực, thay đổi thái độ học tập của học sinh và nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội trong nhà trường phổ thông.
“Theo tôi, với sự thay đổi này, xã hội sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn đối với vai trò của các môn khoa học xã hội, những môn học có tác động, ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách học sinh”, PGS Lê Mậu Hãn chia sẻ.
Nguồn www.chinhphu.vn