Tôi nói như vậy để thấy rằng, những người học hành nơi xa, ở đây – Nagoya, Nhật Bản – hay bất kỳ đâu cũng đều phải giữ cho mình một tinh thần thép để đi qua những tháng ngày đơn độc chinh phục giấc mơ từ sự táo bạo của tuổi trẻ.Sự đơn lẻ phù hợp cho ước mong tự lập, nhưng sự đơn lẻ có thể khiến người ta gục ngã nếu thiếu đi một tinh thần sắt đá. Hẳn nhiên, mọi người sẽ rất vui khi biết rằng, không chỉ những người bạn mà tôi kể trong bài báo này mà hầu hết các du học sinh đều đã luôn nuôi cho mình ngọn lửa của niềm đam mê và khát vọng để làm nền tảng duy trì cho một ý chí. .
Bùi Huy Hoàng (phải) và các bạn lưu học sinh tham gia thông dịch cho đoàn công tác
của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết làm việc với tỉnh Aichi, Nhật Bản năm 2010.
1.. Dù có trẻ, thì người ta cũng dễ nhận ra rằng, mọi thứ trên đời này không dễ gì tự nhiên mà có, ngay cả với vốn sống và kỹ năng giao tiếp xã hội. Người trẻ muốn tạo cho mình sự năng động và hoạt bát, thì trước hết phải tự hòa mình với cộng đồng. Chàng trai sinh năm 1984 Bùi Huy Hoàng, có lẽ là một người như vậy.
Lần đầu gặp Hoàng trong buổi giao lưu giữa Hội Thanh niên Việt Nam vùng Tokai (VYSA TOKAI) với các doanh nghiệp Nhật, tôi đã khá ấn tượng với sự nhiệt tình và tự tin của cậu bạn này. Hỏi ra mới biết, Hoàng đã từng là Phó Chủ tịch, rồi cả Chủ tịch VYSA TOKAI từ những năm trước, năm 2008 và 2009. Đặc biệt hơn, cũng trong thời gian này, Hoàng còn “giành” luôn chức Phó Chủ tịch, rồi cả Chủ tịch Hội sinh viên quốc tế tỉnh Aichi (AFSA). Nhằm tạo mối liên kết, giao lưu và hỗ trợ cho hoạt động du học tại Nhật, Hoàng cùng một số anh em là cựu du học sinh tại Nhật đã kết hợp với tỉnh Aichi (Nhật Bản) thành lập Hội Cựu du học sinh Việt Nam (VORONET) từ năm 2010. Có thể, đây là những cơ hội tốt để chàng trai quê lúa Thái Bình “rèn mình” cũng như tìm kiếm dư vị cho cuộc sống trong các hoạt động hỗ trợ giao lưu của sinh viên quốc tế.
Bùi Lê Quân, sinh viên năm 3 ngành Kinh tế, Đại học Nagoya, Nhật Bản.
Sau khi tốt nghiệp đại học Nagoya, khoa Kỹ thuật, Hoàng học luôn master ngành IT, chuyên nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực y sinh. Giờ thì Hoàng đã đi làm cho một công ty Nhật tại Nagoya. Áp lực cũng khá nặng, nhưng những hoạt động và buổi gặp mặt sau đó của cộng đồng sinh viên Việt Nam, tôi cũng luôn gặp lại Hoàng, lúc là vai trò “vũ công” của một tiết mục văn nghệ, lúc là MC hay là thông dịch tiếng Nhật.
Trong những ngày cuối tháng 3, có dịp nói chuyện với Hoàng về những quãng thời gian trước, tôi được biết, quyết định sang Nhật học của Hoàng là một quyết định khá táo bạo của tuổi trẻ: Từ một học sinh chuyên tin của Trường chuyên Thái Bình, Hoàng được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bằng giải ba trong cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, Hoàng thuyết phục gia đình rồi khăn gói vào Tp. Hồ Chí Minh học tiếng Nhật 6 tháng để… du học tự túc tại xứ sở hoa anh đào. Hoàng nói “Sang Nhật học lúc đó đã là phong trào” nghe cứ nhẹ nhàng so với những thử thách mà người trẻ muốn đương đầu. Hẳn nhiên, để theo đuổi giấc mơ học hành tại xứ sở đắt đỏ này mà không phải tạo gánh nặng cho gia đình, Hoàng phải vừa nỗ lực học tiếng, vừa phải đi làm thêm. Hoàng kể, trong 2 năm đầu học tiếng, có khi Hoàng phải làm thêm cả ngày, có hôm đến tận một hai giờ sáng, cuối tuần thì tăng ca. Khi tiếng Nhật đã khá, Hoàng đi thông dịch rồi dạy tiếng Việt cho người Nhật. Lúc đầu thì với người quen, không lấy tiền, cốt chỉ để rèn thêm tiếng. Sau đó thì bắt đầu dạy cho… người lạ, rồi lấy tiền, rồi được mời đi dạy ở trung tâm.
Tôi hỏi về công việc trong bộ phận Nghiên cứu và phát triển hiện tại của Hoàng, có vẻ cậu bạn khá thú vị về nó. Quen với áp lực học tập nên Hoàng cũng không mấy khó khăn vượt qua môi tường có sức ép làm việc cao. Sau 9 năm học tập và làm việc, người bạn này lại cho biết chỉ dự định ở đây thêm ít thời gian nữa rồi về lại hẳn Việt Nam. Kết thúc câu chuyện, Hoàng chia sẻ với tôi về những dự định để trở thành cây cầu nối Việt Nam – Nhật Bản. Tôi hiểu, mục tiêu phát triển của cộng đồng vẫn luôn đầy ắp trong suy nghĩ của chàng trai này.
2.. Cũng như Hoàng, cô gái sinh năm 1989 Phạm Hải An, quyết định sang đất Nhật để theo đuổi chương trình cao học luật bằng con đường tư phí tại Đại học Nagoya sau khi hồ sơ ứng tuyển được trường và giáo sư chấp nhận. Và cũng bằng sự nỗ lực và cố gắng của bản thân, An lăn xả tìm việc làm thêm, và quyết tâm… săn học bổng trên đất Nhật để trang trải chi phí cho hành trình tiếp cận tri thức của mình. Kết quả, hàng ngày, cô bạn An phải dậy từ rất sớm và về lúc tối muộn. Những hôm chỗ làm đông khách, phải ở lại làm thêm nên bị trễ xe buýt, An đã đi bộ… tầm 40 phút từ ga để về nhà. 6 tháng sau, An giành được một trong hai suất học bổng của Hiệp hội bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Nhật Bản (AIPPI) dành riêng cho du học sinh ngành Luật sở hữu trí tuệ. Tiền học bổng giúp được An rất nhiều cho năm học đầu tiên. Việc làm thêm nhờ thế cũng được thu xếp lại cho hợp lý và đỡ nhọc nhằn. Bước sang năm thứ hai, sự nỗ lực lại được đáp trả một lần nữa khi An tiếp tục giành được xuất học bổng SATAYO dành cho du học sinh các nước châu Á. An cho biết, đây chỉ là 2 trong số 5 học bổng mà An đã tìm kiếm và nộp đơn. Và trong năm 2012, cô bạn phải lên Tokyo đến 5 lần để thi, phỏng vấn và nhận học bổng. “Nhưng được tài trợ tiền anh ạ”, nói đến đây, cô bạn cười vui sướng.
Phạm Hải An, sinh viên năm 2 Cao học Luật, Đại học Nagoya, Nhật Bản.
Có lẽ do cùng trường nên tôi hay gặp An hơn so với các bạn du học sinh Việt Nam khác. Cô bạn này không chỉ cho tôi cái cảm nhận về sự nhanh nhẹn, lanh lợi mà còn cả một ý chí và lòng quyết tâm mãnh liệt, khác hẳn với dáng vẻ nhỏ nhắn bên ngoài của cô ấy. Tôi hỏi là An đã học tiếng Nhật như thế nào, An cho biết là bắt đầu từ khi mới vào năm nhất của Trường ĐH Luật Hà Nội. Đến năm 4, cô bạn là người duy nhất trong lớp lấy được chứng chỉ N1(Hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ của Nhật được ký hiệu từ N5 đến N1), thử thách không phải dễ cho bất kỳ ai chưa có kinh nghiệm đi học tiếng ở Nhật. An bảo: “Học tiếng Nhật rất khó, nhưng vì thích tiếng Nhật nên dù vất vả em vẫn cố gắng”. Thế là, ngoài việc học các môn chuyên ngành, cô học trò trường “Am” đã dành rất nhiều thời gian cho bộ chữ tượng hình và ngữ pháp. “Học đến bao giờ nhớ thì thôi, một lần chưa nhớ thì hai ba lần hoặc chục lần. Nếu vẫn chưa nhớ thì vài chục lần”. An chia sẻ về những quyết tâm của mình. Với tôi, đó không chỉ là nỗ lực hay cố gắng, mà đó là ý chí!
3.. Tôi gặp và hỏi Bùi Lê Quân về quyết định rẽ ngang sang Nhật làm lại từ đầu khi đang là sinh viên năm 2 Học viện Tài chính. Quân bảo: “Em cũng hơi tiếc, nhưng nếu ở trong nước thì em phải mất chừng ấy thời gian để giỏi được tiếng Nhật. Trong khi, em lại có học bổng cho cả việc học tiếng và 4 năm đại học”. Vậy là Quân đi, mang theo nhiều khát vọng đến đất nước này.
Bằng học bổng Monbukagausho của chính phủ Nhật, năm 2009 chàng sinh viên này bay sang học Osaka để làm quen với Hán tự, Higarana hay Katakana. Sau một năm học tiếng, Quân đã thi đỗ đầu vào ngành kinh tế Trường ĐH Nagoya. Chặng đường chinh phục tấm bằng cử nhân kinh tế từ hệ thống giáo dục của một nước phát triển giờ chỉ còn con số “1” năm cuối còn lại. Hẳn nhiên, đây là giai đoạn nước rút nên áp lực cũng tăng lên rất nhiều. Nhưng có lẽ, với cậu bạn nguyên là dân trường chuyên của Hà Nội thì việc đó không còn gì là ghê gớm.
Nhưng thực ra, điều quan trọng hơn là Quân đã biết chủ động bắt nhịp và không để mình…bị tụt lại trong một môi trường học tập mới. Quân cho rằng, sách và tài liệu tại thư viện của trường thật sự là một kho báu, vì nó quá khổng lồ và đáng giá. Để đảm bảo kết quả, nếu chỉ cần đến lớp thì quá trình học tập ở đây cũng không khác gì so với học trong nước. Vì lẽ đó, cậu bạn đã không tiếc thời gian để lặn ngụp với tài liệu. Đọc và phát hiện để kịp hỏi lại thầy trong giờ học là việc mà Quân đã thường xuyên phải làm. Học đại học bằng tiếng mẹ đẻ đã là một thử thách, đằng này phải học bằng ngoại ngữ thì cần phải nỗ lực hơn, dù ngoại ngữ có giỏi đến đâu, Quân chia sẻ.
Vậy mà trong cái hôm Đại hội VYSATOKAI mới đây, tôi vô tình đọc được dòng lý lịch của Bùi Lê Quân: Có thể giao tiếp được bằng tiếng Nhật và tiếng Anh. Giống như cái lần tôi khá bất ngờ khi nghe Phạm Hải An phát biểu cảm nghĩ bằng tiếng Anh trong buổi giao lưu với sinh viên quốc tế hay nghe tin cô bạn nhận được điểm A+ (Mức điểm cao nhất trong hệ thống điểm tại các trường Nhật và nhiều nước trên thế giới) cho cái report viết bằng English, tôi đem điều này hỏi Quân để biết thêm về nhu cầu và khả năng ngoại ngữ của các bạn đang theo đuổi chương trình học bằng tiếng Nhật, cậu bạn chia sẻ: “Trong thời đại toàn cầu hóa, dù có du học ở Nhật thì cũng không bao giờ được quên tiếng Anh. Tiếng Anh, tiếng Nhật phải luôn luôn đảm bảo ở trình độ giao tiếp tốt trở lên để có thể hòa mình với sinh viên quốc tế”.
Chỉ còn một năm nữa là Quân sẽ có trong tay tấm bằng cử nhân, có thể sẽ về nước ngay để bắt đầu sự nghiệp, có thể tìm kiếm một công việc tại xứ sở mặt trời mọc để thêm kinh nghiệm. Hiện tại, Quân chưa đưa ra quyết định. Nhưng thêm một năm nữa, các bạn sinh viên Việt Nam tại đây lại tiếp tục gặp lại cậu bạn luôn tươi cười này trong các hoạt động của VYSA TOKAI với vị trí Phó Chủ tịch của Hội.
Nagoya, Nhật Bản