“Bằng tất cả tấm lòng của người thầy, những bài giảng mà cô mang lại như tiếp thêm cảm xúc, nghị lực cho em. Cả sự quan tâm tận tình, sự lo lắng của cô là nguồn động lực lớn lao để em có thể tự tin, nỗ lực hết mình và đạt được kết quả ngày hôm nay. Điều em nhận được từ cô không chỉ là kiến thức sách vở mà đó còn là niềm đam mê và tình yêu thương vô bờ bến…” – đó là những dòng cảm xúc mà em Lâm Thị Nhung, học sinh đoạt giải 3 môn Văn cấp Quốc gia năm 2012, hiện đang là sinh viên năm thứ nhất, Khoa Tiếng Nhật, Trường Đại học Luật, TP. Hồ Chí Minh viết về cô giáo Nguyễn Thị Khánh Trang, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – người đã tiếp thêm tình yêu và niềm đam mê văn chương cho bao thế hệ đội tuyển học sinh giỏi Văn quốc gia tỉnh ta.
Cô giáo Khánh Trang ôn tập cho đội tuyển học sinh giỏi Văn,
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chuẩn bị tham dự Kỳ thi Olympic 30-4 năm 2013.
Những dòng cảm xúc mà Lâm Thị Nhung viết về cô giáo Khánh Trang, cũng là tình cảm mà những thế hệ đội tuyển học sinh giỏi mong muốn được gửi đến các thầy, cô giáo trực tiếp làm công tác bồi dưỡng của mình. Để có những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và khu vực, để cái tên Ninh Thuận được vang xa… ngoài sự nỗ lực của học sinh, không thể không nhắc đến sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo. Cho dù, trong những lễ vinh danh, trao thưởng, tên các thầy, các cô không được nhắc đến nhưng trong lòng mỗi học trò, chính các thầy, cô giáo là người tạo nên phần thưởng mà các em có được.
Chúng tôi gặp cô giáo Khánh Trang ngoài giờ lên lớp chính khóa, khi cô đang hệ thống lại những bài học cuối cùng cho Đội tuyển học sinh giỏi Văn của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chuẩn bị lên đường tham dự Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 tại Tp. Hồ Chí Minh. Là người làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đã nhiều năm, không biết đã bao lần tiễn học trò đi thi, bao lần ngóng trông, hồi hộp chờ đợi và vỡ òa trong niềm vui khi có học trò đoạt giải… Nhưng có lẽ, tâm trạng trước kỳ thi của cả cô và trò đều giống nhau: Hồi hộp và lo lắng! Đội tuyển Văn tham dự Kỳ thi Omlympic truyền thống 30-4 của trường năm nay có 3 học sinh. Cô Trang cho biết: Học sinh giỏi văn của trường thì nhiều, nhưng để chọn được 3 học trò vào đội tuyển dự thi cũng là cả một quá trình phát hiện, bồi dưỡng. Văn được xem là môn học có kiến thức rộng, bởi vậy cũng khó đoạt giải trong các kỳ thi. Học sinh giỏi Văn ngoài kỹ năng, ngôn từ còn phải có niềm đam mê, chịu khó dùi mài, rèn luyện…
Không chỉ riêng Văn mà với tất cả các môn học khác cũng đều như vậy. Được giao nhiệm vụ làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, việc đầu tiên của các thầy cô là truyền tình yêu, niềm đam mê, nhiệt huyết cho học sinh. Bởi thực tế, tuy học chuyên, nhưng mục đích hướng đến của các em đều là đỗ vào đại học, phải học đều các môn trong khối thi. Thậm chí, có phụ huynh còn đến tận trường để xin cho con ra khỏi đội tuyển học sinh giỏi.
Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia cấp THPT năm 2013, lần đầu tiên tỉnh ta có học sinh đoạt giải môn Tiếng Anh. Đây là niềm hạnh phúc, tự hào lớn của không chỉ học trò mà tất cả các thầy, cô giáo làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh trong những năm qua. Bởi, so với các tỉnh khác, học sinh giỏi Tiếng Anh của tỉnh ta vẫn còn nhiều điểm bất lợi do môi trường, điều kiện học còn hạn chế. Cô Huỳnh Thục Hạ Đoan, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Nếu chỉ làm hết trách nhiệm thôi chưa đủ. Đã làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, người giáo viên phải có tâm huyết, tình yêu đặc biệt với môn học, với học sinh và chấp nhận hy sinh lợi ích của mình”.
Cô Trần Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản tận tâm với nghề dạy học
Cô Trần Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn là người đã có 11 năm làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi giải Toán trên máy tính cầm tay. Gần như năm nào, học sinh của cô cũng đạt giải cao trong các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh, trong đó có 7 lần học sinh được chọn dự thi khu vực. Những thế hệ học sinh được cô Loan bồi dưỡng đều coi cô như một người mẹ hiền, tận tụy, bởi trong thời buổi kinh tế thị trường, không ít giáo viên chạy đua dạy thêm, học thêm vì mối lo “cơm áo gạo tiền”, thì cô Loan vẫn sẵn sàng đưa kiến thức, nhiệt huyết của mình truyền dạy miễn phí cho học sinh không một chút mưu cầu lợi danh.
Với những dòng chữ ít ỏi này, chúng tôi không thể nhắc hết những giáo viên – những người đưa đò thầm lặng đã đem lại niềm vinh quang, vinh dự tự hào cho nền giáo dục tỉnh nhà trong những năm qua. Cũng không sao nói hết được những hy sinh, cống hiến của các thầy, cô giáo cho bao thế hệ học sinh. Chỉ mong được là một nét bút nhỏ, tri ân tấm lòng của các thầy, các cô.
Nhật Quỳnh