Bởi vì với một cuộc sống quá đủ, quá hoàn hảo thì chắc sẽ buồn tẻ và không còn gì gọi là thú vị hay bất ngờ. Tôi muốn có một cuộc sống mà ngày hôm nay sẽ khác với ngày hôm qua, để tôi nhận ra mình đã “đủ và thiếu” những thứ gì?
Cuộc sống chẳng bao giờ hoàn hảo, vì vậy mỗi con người đều có những cái “thiếu và đủ” trong cuộc đời mình. Có những cái đủ làm tôi tự hào và những cái thiếu làm tôi tự ti, nhưng cũng có những cái đủ làm tôi cảm thấy áy náy nhưng tôi sẵn sàng tiếp nhận cái thiếu với niềm vui và sự nhẹ nhàng .
Tôi đủ một thân thể lành mạnh mà ba mẹ ban cho, nhưng tôi thiếu một nghị lực, một ý chí mạnh mẽ để vượt qua mỗi lúc vấp ngã. Cái tôi đủ lại là cái thiếu của nhiều người khác trong xã hội, nhưng cái mà tôi thiếu lại là những thứ dường như họ đầy ắp để tạo nên niềm tin ở chính mỗi người.
Tôi đầy đủ với một gia đình hạnh phúc: có ba, mẹ, em trai. Nhưng tôi thiếu một bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình. Ba mẹ thì túi bụi với công việc, chị em tôi thì bận rộn với sách vở. Cái thiếu đó đã giúp tôi hình thành nên một ý thức cá nhân, giúp tôi biết tự lập và sắp xếp công việc một cách hợp lý.
Tôi đủ tình thương của ba, đầy ắp sự quan tâm của mẹ. Và theo thời gian, tôi thiếu dần sức khỏe của hai người yêu thương tôi nhất. Ba không còn sức để cõng tôi, mẹ cũng chẳng còn khỏe để lôi tôi xuống giường mỗi khi trễ học. Họ lo cho tôi từng miếng ăn, áo mặc, lo từng giấc ngủ cho đến những hộp sữa nhét vào ba lô vì lo tôi không nhớ ăn điểm tâm sẽ bị đói. Vậy mà ... họ quên luôn cả bữa ăn sáng của họ, qua loa chén cơm buổi trưa và vội vàng suất cơm tối để đưa tôi đi học thêm cho kịp giờ.
Nhà tôi vừa đủ trang trải mọi chi phí trong sinh hoạt và có phần nào đó để phòng khi hoạn nạn, ốm đau. Nhưng! Đâu phải đủ là được tất cả, ba tôi mắc bệnh suy thận mãn tính, hai trái thận của ông teo lại và không có khả năng hoạt động nữa. Ông phải dựa vào máy chạy thận để duy trì cuộc sống. Để rồi khi quá cạn kiệt sức lực, ông ngất đi vì thiếu máu. Mẹ tôi lúc ấy bốn mươi tám ký, thiếu hai cân mới đủ chuẩn được bệnh viện cho phép người vợ truyền phần máu của mình cứu chồng. Thế là bà mặc thêm áo khoác dày cho đủ năm mươi cân. Mẹ tôi đã tìm đủ số cân bị thiếu để có cơ hội đưa máu từ cơ thể mình qua cơ thể ba tôi . Vậy là bà thiếu đi một ít máu để được thấy nụ cười của ba.
Tiền chạy thận là số tiền không hề nhỏ, ba tôi không chịu nỗi cái cảnh quanh năm suốt tháng phải nằm ở Chợ Rẫy trong khi vợ con ông ở quê quần quật với bao công việc thường ngày. Vợ phải đối diện với bao loại thuế má, giấy tờ…, con thì thiếu vắng bóng cha. Mỗi lần ba gọi về nhà, con bé ấy cứ khóc, cứ ngây ngô: “sao ba không về với con, con ở nhà một mình sợ lắm”. Thế là ông quyết định rời bệnh viện để về quê, rồi cứ một tuần ba lần, ông đón xe ra Nha Trang chạy thận xong lại lên tàu về nhà. Cuộc sống của ông gắn liền với xe, tàu lửa, máy chạy thận và bệnh viện. Khi rời khỏi Sài Gòn, suy nghĩ trong đầu ông lúc đó là thà để con bé ấy thiếu ông lúc này, còn hơn kéo dài sự sống của mình mà để con gái ông “thiếu” vật chất về sau . Không hiểu con bé có biết nỗi trăn trở của ông trong lúc này không nhỉ?
Thời gian trôi qua, ông dần kiệt sức với những chuyến đi, và rồi một đêm khuya vào cuối năm 2001, con bé ấy chợt nghe tiếng còi cứu thương, mọi người vội vàng ùa đi hết để con bé bơ vơ giữa nhà một mình. Từ đó nó được gửi đi hết từ nhà nội đến nhà cô, rồi nhà bác, nó thiếu tình thương của ba, vắng đi sự chăm sóc của mẹ, đơn giản bởi mẹ nó phải nuôi ba nó ở Chợ Rẫy, nhưng nó vẫn đủ ấm lòng khi gia đình ai cũng yêu thương nó. Nó dường như trở nên “cứng cỏi” hơn. Năm lớp hai, nó tự biết xếp đồ bỏ ba lô và một mình lên xe vào nhà ngoại ở Phan Thiết. Vì ở đây, không ai chăm sóc nó, mọi người đều bận bịu lo cho ba nó hết rồi.
Nó nhớ lần dầu tiên nó được mẹ dẫn vào Sài Gòn, nó tỏ ra hào hứng lắm, cứ nghĩ là được đi chơi, nhưng trước mắt nó là người cha yêu dấu đang nằm trên giường với dây nhợ máy móc gắn đầy người, bao nhiêu nỗi thương nhớ về ba ùa về, nước mắt tuôn trào, nó khóc. Những hàng nước mắt của đứa bé ngây thơ đủ làm xiêu lòng mọi người. Người chị gái của ba nó đã chấp nhận “thiếu” đi một trái thận cho người em trai để gia đình nó “đủ” một cuộc sống ấm áp. Cuộc sống bình yên của gia đình nó như hồi sinh trở lại từ đây. Cái “thiếu” của người phụ nữ ấy đã cho gia đình tôi sự vừa “đủ” mà suốt cuộc đời này chắc chắn cả nhà tôi sẽ không quên.
Khi tôi thiếu một điểm để đủ đậu vào lớp Văn là lúc tôi đủ biết khuyết điểm của mình ở đâu, là lúc tôi nhận ra dù tôi có thiếu gì đi nữa cũng luôn có đủ tình yêu thương từ ba mẹ và sự ủng hộ của người thân.
Tôi có đủ phương tiện học tập, có đủ những kiến thức mà thầy cô đem đến. Nhưng tôi lại thiếu đi sự tập trung, thiếu ý thức tự học, để giờ đây tôi hối hận về những lỗ hổng kiến thức của mình.
Tôi có đủ điểm khá cho bài kiểm tra Sử, Địa nhưng tôi thiếu đi một sự trung thực vì trong những con điểm đó không hẳn vì do tôi học bài mà có được. Tôi thiếu điểm để khá trong môn Văn, nhưng tôi thật sự vui và nhẹ nhàng bởi chưa bao giờ tôi dùng sách văn mẫu cho môn học yêu thích này.
Tôi đủ tự tin vào bản thân và khả năng của mình. Nhưng tôi thiếu một bản lĩnh để vượt qua khó khăn, thay vì đứng dậy tôi lại khóc òa. Lúc này, khi xa nhà tôi thiếu đi vòng tay ấm áp của ba mẹ, nhưng may mắn tôi đã đủ độc lập để biết tự lo cho bản thân và mạnh mẽ để cản hai hàng nước mắt khi nhớ nhà và đầy đủ một niềm tin về những kỹ năng sống khi chỉ còn ít tháng nữa là bước chân vào đời.
Tôi đủ tự trọng để luôn giúp đỡ, quan tâm hết mình cho cậu bạn mà tôi thầm để ý, nhưng lại thiếu can đảm để nói cho cậu ấy biết tôi thích cậu ấy nhiều như thế nào. Nhờ cái thiếu ấy, đã giúp tôi đứng bên cạnh cậu ấy như một người bạn, cái thiếu ấy giúp tôi không ngượng ngùng khi bị cậu ấy bắt gặp tôi đang nhìn trộm cậu ấy và giúp tôi tự tin đối diện với nụ cười tỏa nắng mà trái tim tôi như muốn nhảy ra ngoài.
Cảm ơn cuộc sống không hoàn hảo này, để tôi trải nghiệm được nhiều điều thú vị, để tôi chấp nhận những cái “thiếu và đủ” của đời mình. Tôi thiếu thì giờ để viết tiếp bài tự sự này, nhưng đủ thời gian để trải lòng mình với những vui, buồn xảy ra. Và con bé lớp hai năm ấy giờ đã lên mười hai , mạnh dạn nói lên cuộc sống của mình với cái “thiếu và đủ”.
Nguyễn Trịnh Quỳnh An
Nguyên học sinh Trường THPT Chu Văn An