Bé hờn con bướm | Bé hờn cái quạt |
Chẳng xuống lặn ao | Lười giữa mùa đông |
Bé hờn con cá | Bé hờn sóng sông |
Chẳng bay lên cao. | Trốn ra biển lớn. |
| |
Bé hờn con kiến | Hôm qua bé đã |
Nhỏ hơn con voi | Mải chơi cả ngày |
Bé hờn nắng oi | Nhiều trang vở trắng |
Mải chơi mùa hạ. | Vẫn màu mực dây |
| Những lần như thế |
| Ai hờn bé đây? |
| Mai Hoàng Hanh |
Phần đầu gồm ba khổ, nói về cái hờn thông minh, ngây thơ đáng yêu của bé. Sao lại thế này mà không phải là thế kia được kia chứ? Lạ thật! Bướm sao không lặn xuống nước? Cá sao không bay như chim? Cái quạt lại nằm im mà không động đậy suốt cả một mùa đông? Sao nước sông lại cứ chảy hoài về biển?...Điều làm ta chú ý là hờn của bé cái gì cũng mới, cũng nhạy cảm, cũng non tơ! Tất cả, sao mà gần gũi, thân thương đến thế! Qua con mắt nhìn của bé, vật nào cũng bạn với mình: chúng cũng mải chơi, thích trốn tìm, nhiều khi còn lười nhác nữa cơ đấy…Oi nồng gay gắt kéo dài suốt cả một mùa hè, Nắng mải chơi đến nỗi quên cả làm ra mưa. Cái quạt nằm im lìm trong một góc nhà suốt cả một mùa đông, bụi bám đầy mình, đâu có chịu tắm táp lấy một lần. Thế thì có bị bé phê bình là lười mười mươi đi chăng nữa, Quạt ta cũng cụp cánh nằm im thin thít chịu trận, đâu dám ho he lên tiếng thanh minh! Mà có thanh minh thì cũng khó mà lung lay được “lập trường kiên định” ngây thơ đáng yêu của bé! Nước sông chảy tuôn về biển, người lớn nghĩ và nói vậy, nhưng bé có cách nghĩ khác! Bé đang tưởng tượng theo đuổi một cuộc chơi tập trận giả thú vị, bé bơi, súng nhựa cầm tay nhả đạn rượt đuổi, Nước thất thế chỉ có chước thượng hạng đầu hàng trốn ra biển là nhất! Chữ trốn thật hay, thật sống động và sáng tạo, không thể thay thế được chữ nào!
Phần hai, khổ kết. Ở trên, bé hờn mọi vật, mọi hiện tượng, ở đây, chính bé đang “làm chủ” những việc đáng hờn. Cái đáng nói ở chỗ là bé đang “sở hữu” cái đáng hờn mà chính bé lại không hề biết! Cái hay là ở chỗ này?
Này nhá, hôm qua, bé mải chơi cả ngày. Lại nữa kia, nhiều trang vở mới / Vẫn màu mực dây. Đến đây, bé sẽ hờn như thế nào? Chúng ta ai mà không nóng lòng chờ…
Kết bài, tác giả đặt ra một câu hỏi mà không có câu trả lời: Những lần như thế / Ai hờn bé đây?
Ai là ai, là người nào, tác giả chỉ nói hờ vậy thôi. Kết như thế là khéo lắm! Câu hỏi này, chỉ người trong cuộc, sẽ giật mình và chỉ riêng bé mới trả lời chính xác được mà thôi – tôi nghĩ thế và tin thế.
Phải chăng, tác giả muốn nhắc nhở bé một điều nhỏ thôi: mình phải luôn nhớ phải biết hờn chính mình nữa, như thế mới tiến bộ, mới tốt; thay vì chỉ biết hờn người khác, trách móc người khác?
Và hình như lời nhắn nhủ ấy cũng không chỉ dừng lại dành riêng cho bé?
Thái Hà