Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, cần có một cơ chế quỹ để duyệt kinh phí ngay
cho từng đề tài khoa học. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Mong muốn trên được người đứng đầu ngành quản lý, phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học bày tỏ tại phiên giải trình “Cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 22/9.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Lê Bộ Lĩnh rằng các nhà quản lý khoa học, công nghệ của Việt Nam cần học điều gì từ thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Quân lấy một ví dụ từ Nhật Bản. Khi đoàn công tác của Việt Nam hỏi tại sao được giao kinh phí lớn để nghiên cứu khoa học, phía đối tác nói rằng Nhà nước, doanh nghiệp tin tưởng giao kinh phí, kinh phí này được quản lý chặt chẽ, các tổ chức, nhà khoa học nếu sử dụng sai mục đích sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Bộ trưởng cho rằng kinh nghiệm của phía bạn là đặt trách nhiệm lên vai các nhà khoa học, giao quyền cho họ và cần một cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Nhấn mạnh ý nghĩa của việc đặt niềm tin vào các nhà khoa học, Bộ trưởng cho rằng họ sẽ yên tâm làm việc, “để họ không còn phải gian dối trong cách hợp lý hóa chứng từ, hợp thức hóa dự án khoa học mỗi khi cần bổ sung kinh phí”.
Trên thực tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, kho bạc có cơ chế xuất chi theo dự toán. Mỗi khi bước sang giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, các nhà khoa học muốn ra kho bạc xin ứng tiền thì phải có dự toán kế hoạch giai đoạn trước. Thủ tục nhiều mà nhiệm vụ nghiên cứu cần liên tục, kịp thời nên không tránh khỏi việc các nhà khoa học phải tìm mọi cách để hợp thức hóa giấy tờ.
Hơn nữa, khi được giao kinh phí rồi, nếu nhà khoa học muốn điều chỉnh thì quy trình cũng rất phức tạp. Ví dụ, kinh phí trên 1 tỷ đồng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dưới 1 tỷ đồng thì Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài chính thẩm tra nhưng thời gian thẩm tra kéo dài từ 3- 6 tháng.
Phiên giải trình “Cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả
hoạt động khoa học, công nghệ”. (Ảnh: Chinhphu.vn)
“Tiền làm khoa học lúc nào cũng có, nhưng chỉ khi Bộ Khoa học và Công nghệ tập hợp, đưa nội dung, nhiệm vụ các đề tài (khoảng 31/7 hàng năm - PV) thì (tới tháng Giêng năm sau - PV) mới được giao tiền… Khác với các quốc gia khác, có kế hoạch đề tài nào là cấp ngay kinh phí. Do đó, cần có một cơ chế quỹ để duyệt kinh phí ngay cho từng đề tài”, Bộ trưởng chia sẻ.
Để đơn giản thủ tục lập kế hoạch xin kinh phí ngân sách hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị không bắt buộc phải có các đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã được phê duyệt trước và linh hoạt theo thời điểm đề xuất hoặc đặt hàng.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ sẽ chủ động tổ chức xây dựng và phê duyệt các nhiệm vụ khoa học, công nghệ sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết hiện Việt Nam đã và đang áp dụng một cơ chế đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ khá hiệu quả thông qua Quỹ Khoa học, Công nghệ quốc gia. Sau 4 năm hoạt động, Quỹ này đã giúp số đề tài công bố quốc tế của Việt Nam tăng 4 lần so với trước.
Theo Bộ trưởng, việc vận hành Quỹ này đã giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước với tiêu chí nhiệm vụ nghiên cứu xứng đáng thì cấp tiền ngay, không xứng đáng thì không cấp. Đồng thời các nhà khoa học cũng không phải quyết toán theo năm tài chính và chỉ quyết toán khi hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với cơ chế ưu đãi cho người làm nghiên cứu, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết Bộ đang xin ý kiến Trung ương và quy định trong dự thảo Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) về điều kiện làm việc, tư liệu tham khảo và tạo môi trường giao lưu với nước ngoài cho cán bộ nghiên cứu chủ chốt, đầu ngành.
Đồng thời, cần giải tỏa những vướng mắc đối với những trường hợp được hưởng phụ cấp theo quy định của Chính phủ nhưng đến nay chưa được thực hiện như cán bộ ngành Hạt nhân, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…
Nguồn www.chinhphu.vn