Theo anh Nguyễn Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc cho biết tính đến cuối tháng 8, toàn huyện có 887 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng tập trung tại các xã nói trên; trong đó có 72 ha lúa, 795 ha bắp và 20 ha mía. Hằng năm, thông thường vào tháng tư (âm lịch-AL) có lũ tiểu mãn là nông dân miền núi xuống giống bắp, lúa, sau đó có mưa lai rai kéo dài đến tháng 6 (AL) là đủ cho cây trồng sinh trưởng và bước vào thu hoạch.
5 sào bắp của ông Ka-tơ Táp ở thôn Đá Mài Dưới (Phước Kháng) hoàn toàn khô héo
vì nắng nóng, nay chỉ còn cắt làm thức ăn nuôi bò.
Thế nhưng năm nay thời tiết đã không diễn biến như các năm. Trong diện tích thiệt hại nói trên, điều đáng chú ý là có 335 ha bắp trồng vụ hè thu thiệt hại 70%, còn lại 460 ha bắp thiệt hại 100% đều trồng vụ mùa sớm. Đối với diện tích lúa, bao gồm 22 ha lúa ở Phước Kháng, 30 ha lúa ở xã Công Hải và 20 ha lúa ở xã Lợi Hải có nguy cơ thiệt hại do nhân dân tự phát sản xuất cũng đều trồng trong vụ mùa sớm (được 30 ngày tuổi), dự báo nếu sắp tới không mưa sẽ chết khô. Điều này cho thấy thiệt hại chiếm phần lớn trong vụ mùa sớm vì không theo kế hoạch chỉ đạo, lịch thời vụ của huyện.
Cuối tháng 8, đi lên Phước Chiến rồi trở ngược lại Phước Kháng, đâu đâu chúng tôi cũng cảm nhận được cái nắng gay gắt và không khí nóng bỏng ập vào người. Anh Nguyễn Nam, Phó chủ tịch UBND xã Phước Chiến cho biết: “Cả xã có 321 ha bắp mất trắng rải khắp 5 thôn, nhưng tập trung nhiều nhất là ở thôn Động Thông với diện tích 120 ha. Đáng lo nhất là 20 ha mía tơ mới trồng bên thôn Ma Trai cao 25-30 cm đã chết sạch, hiện nay chỉ còn trông mưa xuống sớm để hồi sinh các gốc mía cũ”. Tại xã Phước Kháng, chúng tôi tận mắt nhìn thấy nhiều nương rẫy trồng bắp trên triền núi đã vàng úa. Ông Ka-tơ Táp ở thôn Đá Mài Dưới than thở: “ Tôi trồng 5 sào bắp đã lên cao trổ cờ nhưng chưa kịp có trái đã khô héo, nay chỉ còn cắt làm thức ăn cho bò nuôi”. Đi sang thôn Cầu Đá, chúng tôi gặp ông Mai Yên cũng trong tình trạng tương tự, là người trồng bắp nhiều nhất thôn với diện tích 8 sào nay đã mất trắng. Anh Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kháng giải thích: “Kế hoạch sản xuất vụ hè thu của xã là 197 ha bắp, đó là diện tích an toàn vì đã canh tác lâu nay, nhưng do một số vườn điều chặt bỏ, phát rẫy mới nên diện tích bắp trồng đã lên gần 245 ha. Toàn bộ diện tích trồng chỉ có 12-13 ha thu hoạch sớm là thoát khỏi ảnh hưởng nhưng năng suất thấp lắm, còn lại đều thiệt hại trong đợt nắng nóng này”. Ngoài bắp, Phước Kháng còn thiệt hại 8,7 ha/13,5 ha mía trồng ở khu vực hoán đổi đất thuộc xã Lợi Hải cũng vì khô hạn.
Con suối Lù Kô chảy dưới cầu Bến Nưng (Phước Kháng) cạn kiệt nước, chỉ còn trơ đá dưới lòng đáy
Tuy nhiên, dù cây màu và lúa đang khô héo dần nhưng vấn đề nước sinh hoạt cho người dân và nước phục vụ chăn nuôi đại gia súc ở Thuận Bắc vẫn chưa có gì đáng lo. Anh Ka-tơ Đượng, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng lạc quan nói: “Hệ thống nước sinh hoạt dẫn về từ các suối trên núi cao vẫn đủ cung cấp, bây giờ chưa có gì lo nhưng nếu trong nửa tháng nữa, trời tiếp tục không mưa có nguy cơ dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ chăn nuôi”. Tình trạng này không khác mấy với Phước Chiến, các nguồn suối dẫn về qua hệ thống tự chảy chưa khô cạn nhưng nếu cứ nắng nóng kéo dài chưa biết điều gì xảy ra. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Hùng chia sẻ: “Nắng nóng tuy gây thiệt hại cho sản xuất nhưng rất may chưa tác động gì nhiều đến đời sống bà con, không chỉ vấn đề nước còn đủ dùng, hầu hết người dân Phước Kháng, Phước Chiến và các vùng đồng bào dân tộc Raglai thuộc các xã Công Hải, Lợi Hải nhờ có thu nhập từ các vườn cây ăn trái nên không bị đói, vẫn đủ lương thực cầm cự qua mùa giáp hạt”.
Để giúp người dân khắc phục hậu quả, có điều kiện tái sản xuất khi mưa đến, huyện Thuận Bắc đang đề xuất tỉnh hỗ trợ giống bắp và hom mía cho toàn bộ diện tích bị thiệt hại do nắng nóng gây ra, trừ 72 ha lúa trồng tự phát sẽ không hỗ trợ. Nhưng riêng Phước Chiến, theo anh Nguyễn Nam, người dân trong xã yêu cầu ngành chức năng phải khẩn trương chi trả 17 tháng gạo nợ cho phí trồng rừng thay thế nương rẫy theo Chương trình 661/TTg. Trước những khó khăn của Thuận Bắc, thực tế cho thấy nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, trong thời gian tới người dân sẽ khốn đốn vì những thiệt hại hiện nay do khô hạn gây ra.
Bạch Thương