Nếu trước đây, các đối tượng lang thang, xin ăn ở Tp.Phan Rang-Tháp Chàm thường chỉ tập trung “hành nghề” tại các điểm đông người như chợ, địa điểm có nhiều hàng quán ăn uống… thì thời gian gần đây, đã xuất hiện khá phổ biến trên hầu hết các tuyến phố. Đặc biệt tại các điểm có đèn báo hiệu giao thông luôn có một vài người ăn xin nằm ngồi chờ chực, mỗi khi có báo hiệu đèn đỏ, các đối tượng này nhanh chân tranh thủ xà ra xin tiền người đi đường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn làm xấu đi mỹ quan của thành phố.
Đối tượng ăn xin “hành nghề” ở chợ Phan Rang.
Người đi ăn xin đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ cho đến thanh niên, cụ già. Nói chung, những người đi xin ăn đều có hàng trăm lý do. Không ít trường hợp vẫn khỏe mạnh, còn sức lao động, thậm chí có thanh niên trai tráng nhưng do lười biếng, một số cụ già dù có gia đình hẳn hoi nhưng vì không muốn lệ thuộc vào con cháu nên đi ăn xin... Tiếp cận một người phụ nữ trông còn rất trẻ, tay ôm đứa bé chưa đầy 8 tháng tuổi cùng 2 đứa con nhỏ khoảng chừng 7-8 tuổi đang “hành nghề” tại chợ Phan Rang, được biết chị là Phan Thị Thanh, năm nay 35 tuổi, nhà ở phường Văn Hải (PR-TC). Chồng làm nghề phụ lái máy cày thường xuyên vắng nhà, lại chẳng quan tâm gì đến vợ con, công ăn việc làm, hàng ngày chị dẫn các con đến chợ Phan Rang lang thang xin ăn. Chị cho biết: “Trung bình mỗi ngày cả gia đình đi xin cũng được khoảng 70.000 đồng, bằng một ngày làm thuê mà không tốn nhiều công sức, có thể nuôi sống cả nhà”. Còn với trường hợp Nguyễn Lê Trang, năm nay 20 tuổi, nhà ở Tấn Lộc, Tấn Tài (PR-TC), được cha mẹ lo cho cái ăn, cái mặc hẳn hoi, nhưng với lý do sức khỏe không tốt, lại thích đi lang thang nên hễ thấy chỗ nào đông người là tìm đến xin tiền. Khi được hỏi vì sao còn trẻ mà không chịu đi làm việc kiếm sống? Với vẻ mặt ngây ngây, Trang trả lời tự nhiên: “Em bị khùng mà chị, nhìn em ai mà thuê, thôi chị đừng hỏi nhiều nữa, cho em mười ngàn ăn cơm!”
Theo quy định, để quản lý, ngăn chặn tình trạng ăn xin, tạo điều kiện nơi ăn, chốn ở cho các đối tượng lang thang, cơ nhỡ, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, khi phát hiện có đối tượng lang thang trên địa bàn mình phải tổ chức thu gom đưa về nhà ở cộng đồng của địa phương, sau đó phân loại: đối tượng nào còn thân nhân, gia đình thì liên hệ, yêu cầu thân nhân của các đối tượng đó đưa về quản lý, chăm sóc; đối với các trường hợp không còn hoặc không xác định được thân nhân thì được đưa về nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, do khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, thời gian qua, Tp.Phan Rang- Tháp Chàm chỉ tổ chức các đợt thu gom tập trung vào các ngày lễ, sự kiện quan trọng của tỉnh. Công tác thu gom cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, các địa phương trên địa bàn thành phố đều chưa có nhà ở cộng đồng, sau các đợt thu gom phải đưa các đối tượng đến “ở nhờ” tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, nhưng chỉ với số lượng ít và trong khoảng thời gian ngắn. Còn nếu thu gom hết các đối tượng lang thang với số lượng lớn như hiện nay, chính quyền các địa phương không biết xoay xở như thế nào. Ngoài ra, hầu hết các đối tượng lang thang xin ăn đều là những người có gia đình, còn thân nhân và xem việc ăn xin như một “nghề” để kiếm sống, nên mỗi khi biết có đợt thu gom thì các đối tượng này đều lẩn trốn. Vì vậy mỗi đợt cũng chỉ có thể thu gom được 3 đến 4 người. Sau các đợt thu gom, các đối tượng này lại được trả về gia đình và lại tiếp tục hành nghề.
Để giải quyết tình trạng này, trước hết Tp.Phan Rang- Tháp Chàm cần tích cực hơn nữa trong công tác kiểm tra, thu gom, phân loại, đưa các đối tượng cơ nhỡ vào sinh sống, quản lý tại Trung tâm Điều dưỡng và Bảo trợ xã hội tỉnh.
Ông Lê Chí Hiền, Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội Tp. Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: “Phần lớn các đối tượng ăn xin, lang thang trên địa bàn thành phố là người của các địa phương khác, để giải quyết tận gốc tình trạng này, chúng tôi mong UBND tỉnh cần sớm xây dựng đề án để có kế hoạch lâu dài, đặc biệt có phương án tạo công ăn việc làm cho các đối tượng sinh sống, làm ăn tại quê nhà, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, tuyên truyền, vận động, gắn việc giải quyết tình trạng lang thang, ăn xin với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… có như thế, mới ngăn chặn tình trạng ăn xin, người lang thang ở các địa phương khác tập trung về Tp.Phan Rang- Tháp Chàm như hiện nay”.
Uyên Thu