Là diễn viên kiêm biên đạo của Trung tâm Ca múa nhạc Asia (Tokyo, Nhật Bản), từng đi lưu diễn nhiều nơi, nhiều quốc gia trên thế giới nhưng Michiyo Phạm Ngà vẫn thường xuyên quay trở về quê hương biểu diễn với mục đích khoác lên một hình ảnh mới mẻ cho nghệ thuật múa đương đại Việt Nam.
Là con út trong một gia đình có ba chị em gái ở Hà Nội. Bố phục vụ trong quân đội, mẹ là nghệ sĩ chèo Lê Dung (thuộc đoàn chèo Hậu cần). Lúc còn nhỏ, Phạm Ngà chỉ mê hát chèo, thích đàn bầu và ước mơ lớn lên được làm ca sĩ, nhưng mẹ cô lại có suy nghĩ khác nên quyết định gửi cô đến Cung thiếu nhi học múa, ít lâu sau Phạm Ngà thi đỗ vào trường Múa Việt Nam. Năm 2001, có hai đoàn Hồng Kông và Nhật Bản tìm đến trường Múa để tuyển sinh. Cuối cùng Phạm Ngà được đoàn Nhật Bản mời sang du học tại trường Cao đẳng Múa Tokyo thuộc chuyên ngành múa ba-lê lúc 13 tuổi và Phạm Ngà cũng là người Việt Nam duy nhất trong lớp toàn học sinh quốc tế. Mặc dù vậy, chỉ sau năm thứ 2 học tập trên đất Nhật, cô gái người Việt này đã được chọn vào đội diễn viên múa của nhà trường, liên tục được mời đi biểu diễn trong các chương trình thiếu nhi. Kể từ lúc này Phạm Ngà có thêm tên tiếng Nhật Michiyo.
Nữ nghệ sĩ Nhật gốc Việt Michiyo Phạm Ngà
Năm 17 tuổi, ngay khi còn chưa ra trường, Michiyo đã được nhận về Đoàn ca múa nhạc Asia của thành phố Tokyo với vai trò diễn viên múa và suốt từ thời điểm ấy đến giờ, cô luôn là diễn viên múa chính của đoàn. Năm 2003, trong một lần đại diện cho trường cao đẳng múa Tokyo tham dự cuộc thi múa đương đại đầu tiên, Michiyo đã xuất sắc giành giải nhất Múa đương đại châu Á -Thái Bình Dương. Năm 2004, cô gái này tiếp tục đem vinh quang về cho mình với giải thưởng Triển vọng múa đương đại tại Pháp. Từ đó, Michiyo quyết định chọn múa đương đại là con đường đi của chính mình. Và sự lựa chọn của Phạm Ngà tỏ rõ sự đúng đắn với hàng loạt giải thưởng tiếp theo như giải Tài năng trẻ hội diễn châu Á ở Singapore 2006, giải nhì Biên đạo múa xuất sắc cho Cinevox Epic Freestyle 2007, giải Biên đạo múa đương đại tài năng tại Cloud Gate Dance Theatre of Taiwan - Trung Quốc năm 2009 và giải Biên đạo múa xuất sắc Tokyo Freestyle năm 2009…(hiện nay cô còn là biên đạo múa cho các vở diễn của đoàn cũng như nhiều lời mời trên khắp thế giới).
Michiyo cho rằng, múa đương đại là thể hiện ý tưởng cá nhân thông qua ngôn ngữ cơ thể, tương tự như biểu diễn kịch hình thể. Vì thế, múa đương đại đòi hỏi sự thông minh, sáng tạo, biết nắm bắt nội dung, diễn xuất tâm trạng nhưng quan trọng nhất vẫn là đẹp, có hồn dựa trên nền tảng là kĩ thuật chuyên môn. Michiyo bắt đầu quay trở về quê hương Việt Nam năm 18 tuổi, sau khi vừa tốt nghiệp trường Múa Tokyo. Phạm Ngà tâm sự: "Tôi đã diễn quá nhiều nơi trên thế giới, nơi cuối cùng trở về nhất định tôi sẽ chọn là quê hương. Với múa đương đại, tại Việt Nam hiện nay xem ra vẫn không có đất để phô diễn tài năng, nhưng tôi cho rằng cái gì cũng có thể khắc phục được dần. Nghệ thuật múa Việt Nam mình vẫn còn thiếu nhiều thứ lắm, một tay tôi không thể ôm cả bầu trời. Hy vọng một ngày gần đây nghệ thuật múa đương đại Việt Nam sẽ có chỗ đứng và vị trí thật tốt, để những người làm nghề múa có nhiều sáng tạo và cống hiến hơn…”.
Thời gian gần đây, Michiyo Phạm Ngà đã thực hiện một số show diễn như "Naughty Night” ở Funky Monkey Pub, "Three Some” ở Marquee Club… bước đầu được khán giả trẻ Việt Nam nhiệt liệt đón nhận. Mới nhất, vào đêm 9/6 vừa qua, tại Hà Nội có chương trình "The Middle East of Night” (Đêm Trung Đông) cũng do Michiyo Phạm Ngà biên đạo và thực hiện rất thành công./.
Theo Daidoanket