Hoàn thiện pháp luật về quyền con người

Đây là chủ đề của Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ nhất năm 2012 do Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức sáng 23/5, tại Hà Nội.

Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ nhất năm 2012 (Ảnh: TH)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nêu rõ: Bảo vệ quyền con người là vấn đề luôn được Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Ở cấp độ quốc gia, các quyền con người cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến pháp, thể chế hóa trong nhiều văn bản luật, văn bản dưới luật và được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia và nghiêm chỉnh thực hiện các điều ước quốc tế quan trọng nhất về nhân quyền như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979... được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Năm 2011, với mục đích hỗ trợ Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người và thực hiện các khuyến nghị UPR (Báo cáo quốc gia lần thứ nhất theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ toàn cầu), trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” do UNDP tài trợ, hai công trình nghiên cứu đã được tiến hành để rà soát, phát hiện các mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật quy định về một số quyền dân sự chính trị và nghiên cứu, đánh giá tính tương thích của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Hai sản phẩm nghiên cứu này cung cấp các thông tin về hiện trạng quy định pháp luật về quyền con người của Việt Nam cũng như đưa ra những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan, nhằm tăng cường tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về lĩnh vực này, đảm bảo sự tương thích, phù hợp với các tiêu chuẩn tiến bộ về nhân quyền đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Diễn đàn sẽ là cơ hội để các chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước chia sẻ, cập nhật thông tin và trao đổi, thảo luận chuyên sâu về các nội dung liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người ở Việt Nam.

Nhấn mạnh đến vai trò của Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người, ông Bạch Quốc An, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết: Công tác xây dựng pháp luật là một trong những chức năng quan trọng nhất của Bộ Tư pháp. Trong đó, việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân được đặc biệt chú trọng. Cụ thể, trong thời gian qua, số lượng, chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người ngày càng được tăng cường và củng cố. Mặt khác, trong quá trình tham mưu giúp Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, Bộ Tư pháp đã luôn cố gắng để đảm bảo pháp luật vừa kế thừa, phát huy được bản chất nhân đạo của dân tộc ta, bản chất vì con người của Nhà nước ta, vừa phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền được cộng đồng quốc tế thừa nhận một cách rộng rãi.

Để thực hiện các khuyến nghị UPR cũng như các công việc liên quan đến hoàn thiện pháp luật đảm bảo quyền con người, ông Bạch Quốc An kiến nghị, trong thời gian tới, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cần làm rõ, phân biệt quyền con người và quyền công dân; xử lý hài hòa mối tương quan giữa quyền con người và quyền công dân. Đồng thời, thể hiện rõ, cụ thể hóa nội dung các quyền được quy định trong Hiến pháp; nghiên cứu bổ sung một số quyền quan trọng cho phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người.

Mặt khác, theo ông Bạch Quốc An, cần rà soát, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật quy định về quyền con người, tăng cường tính đồng bộ và thống nhất của các quy định này cũng như xây dựng Cơ sở dữ liệu pháp luật Quốc gia về quyền con người và quyền công dân.

Theo ông Nicholas Booth - Cố vấn chính sách về pháp quyền và tiếp cận công lý, UNDP Việt Nam cần có các cơ chế để tăng quyền bào chữa và ông đặc biệt khuyến nghị “bổ sung các cơ chế mới để bảo vệ quyền trong thực tế và bỏ các cơ chế cản trở thực hiện quyền bào chữa.”

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã được nghe giới thiệu Báo cáo rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam về một số quyền dân sự chính trị; nghe giới thiệu Báo cáo nghiên cứu, đánh giá tương thích của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.../. 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam