Dự thảo đưa ra 3 tiêu chí túi ni lông thân thiện với môi trường. Trước hết, túi ni lông phải có một trong hai đặc tính kỹ thuật sau: 1- Có độ dày trên 30 µm, chiều rộng trên 20 cm và tổ chức cá nhân sản xuất túi ni lông phải có phương án thu hồi, tái chế; 2- Có khả năng phân hủy sinh học, thời gian phân huỷ trong môi trường không quá 02 năm.
Túi ni lông thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa
Đồng thời, túi ni lông phải có hàm lượng tối đa cho phép của các kim loại nặng trong sản phẩm được quy định như sau: Arsen (As): 12mg/kg, Cadimi (Cd): 2mg/kg, Chì (Pb): 70mg/kg, Đồng (Cu): 50mg/kg, Kẽm (Zn): 200mg/kg.
Tiêu chí thứ ba là cơ sở sản xuất túi ni lông phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Để được công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường, tổ chức, cá nhân sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, cấp Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện môi trường.
Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện môi trường do Tổng cục Môi trường cấp trên cơ sở kết luận của Hội đồng Khoa học chuyên ngành đánh giá hồ sơ đăng ký công nhận túi ni lông thân thiện môi trường.
Túi ni lông thân thiện môi trường được cấp Giấy chứng nhận phải được lập thành Danh mục, cập nhật và đăng tải trên trang thông tin điện tử (website) của Tổng cục Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự thảo nêu rõ, túi ni lông (túi nhựa) thân thiện môi trường là các loại túi làm từ màng nhựa đơn mà nguyên liệu, quá trình sản xuất, sử dụng và sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại.
Túi ni lông (túi nhựa) có khả năng phân hủy sinh học là là túi có khả năng phân hủy thành CO2, nước, các hợp chất vô cơ và sinh khối mới dưới tác dụng của vi sinh vật trong khoảng thời gian nhất định với điều kiện môi trường thải bỏ sẵn có (bãi chôn lấp hoặc ủ compost).
Nguồn www.chinhphu.vn