Giải bài toán “miếng bánh” thị phần CNTT

Công ty nghiên cứu IDC gần đây dự báo mức chi tiêu cho công nghệ thông tin (CNTT) trên thế giới dự kiến đạt 1.800 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Một phần ngày càng lớn của khoản chi tiêu này sẽ được dành cho những công nghệ đang tăng trưởng nhanh, như điện toán di động, mạng xã hội và phân tích dữ liệu. Điều này có nghĩa là sẽ có một số công ty mới bắt đầu được hưởng lợi trong năm nay.

Mạng xã hội Facebook đang tìm cách đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình. Ảnh minh họa

Một phần đáng kể của khoản 1.800 tỉ đô la Mỹ đầu tư cho CNTT trong năm nay, theo công ty IDC, vẫn sẽ tiếp tục đổ vào túi các "đại gia" công nghệ truyền thống (Microsoft, IBM, Oracle…). Dù vậy, những công ty tương đối mới hơn, từ Facebook, Amazon, Google… cho đến những công ty điện toán đám mây nhỏ, có thể chiếm được phần lớn hơn của miếng bánh này. Chẳng hạn như Amazon Web Services dự kiến đạt doanh thu 1 tỉ đô la từ những dịch vụ đám mây vào cuối năm nay. Đây cũng là mức doanh thu mà bộ phận doanh nghiệp của Google dự kiến đạt được trong vòng 18 tháng tới.

"Đại gia" đối đầu với doanh nghiệp đang nổi

Một bản báo cáo gần đây của IDC nhận định: "Cuộc chiến giành vị thế thống trị nền tảng doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu khi những đại gia đã thành danh, như IBM, Microsoft, Oracle, đối mặt với những thách thức lớn từ Amazon, Google, Salesforce.com và VMware".

Đó là lý do các đại gia công nghệ truyền thống đang mua lại các nhà cung cấp phần mềm như một dịch vụ độc lập, dự kiến cũng được hưởng lợi từ những xu hướng chi tiêu cho CNTT trong năm 2012 này. Một vài công ty trong số này, như Workday, Taleo và Netsuite, có khả năng bị thâu tóm trong năm nay. Trong vài tháng qua, lĩnh vực này đã chứng kiến một số thương vụ mua lại có giá trị lớn.

Đầu tháng 12-2011, hãng SAP thông báo mua lại công ty phần mềm quản lý nhân sự trên đám mây SuccessFactors với giá 3,4 tỉ đô la. Hai tháng trước đó, Oracle quyết định thâu tóm công ty dịch vụ khách hàng trực tuyến RightNow Technologies với giá 1,5 tỉ đô la. Xu hướng các công ty lớn nhảy vào lĩnh vực điện toán đám mây bằng con đường này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay. Đó là tin tốt cho các nhà cung cấp phần mềm dựa trên đám mây nhỏ hơn, nhất là đối với những công ty nằm trong tầm ngắm của các đại gia.

Đa dạng hóa nguồn doanh thu

Là mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình. Ông Frank Gens, nhà phân tích trưởng của IDC, cho biết để làm điều này, Facebook có thể tận dụng vị thế thống trị trong lĩnh vực mạng xã hội để mở rộng vai trò, chẳng hạn như trở thành một nền tảng quản lý danh tính cho các ngân hàng và các nhà bán lẻ trực tuyến. Ông Gens nói: "Danh tính Facebook có thể trở thành danh tính được sử dụng ở mọi nơi trên Internet. Facebook là một trong số rất ít công ty có thể thực sự làm được điều này nhờ số lượng người sử dụng khổng lồ".

Điều này đã xảy ra ở một mức độ nào đó với Facebook Connect, một tính năng cho phép dùng tài khoản Facebook để đăng nhập vào các trang web khác. Việc liên kết hồ sơ cá nhân trên Facebook với các trang web thanh toán và nhà bán lẻ trực tuyến cho phép người sử dụng không chỉ đăng nhập mà còn mua sắm chỉ với một cú nhấp chuột thông qua danh tính Facebook. Điều này có thể đặt Facebook trên con đường trở thành một công ty lớn và đa dạng hơn trong thị trường doanh nghiệp.

Bất chấp khả năng gia tăng thị phần của những công ty mới nổi, phần lớn ngân sách CNTT năm nay của các doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục đổ vào những "đại gia" truyền thống. Ông Gens nhận định trong một bản báo cáo gần đây: "Mặc dù ngành công nghiệp CNTT sẽ tiếp tục đi trên con đường biến đổi mà nó đã đi trong năm 2011, những sự kiện, lựa chọn và kết quả sẽ rất khác biệt trong năm nay. Đến cuối năm, chúng ta sẽ biết rõ hơn về việc những công ty nào sẽ vượt lên trước trong cuộc chạy đua giành vị trí thống trị lĩnh vực CNTT trong thập kỷ tới đây".

Nguồn QuanTriMang.com.vn