Vấn đề hôm nay:

Tuyên truyền pháp luật cần gắn với thực tế đời sống

Có thể nói, trong những năm qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần cùng các ngành chức năng từng bước đẩy lùi các vụ việc vi phạm pháp luật nhất là ở cơ sở, nâng cao được ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành pháp luật tại địa phương.

(NTO) Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng được lực lượng tuyên truyền pháp luật khá đông đảo. Chỉ tính ở cấp huyện đã có trên 650 báo cáo viên pháp luật và cấp xã có đến gần 870 tuyên truyền viên. Mặt khác, để “bổ trợ” cho công tác tuyên truyền pháp luật, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương, toàn tỉnh đã thành lập trên 2.760 tổ nhân dân tự quản hoạt động theo quy chế, xây dựng được 397 tổ hòa giải ở 397 thôn với trên 2.390 hội viên tham gia.

Bằng sự nhiệt tình và trách nhiệm, linh động trong các hình thức tuyên truyền với nội dung bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh trật tự tại địa phương. Điều cũng đáng ghi nhận là hàng năm nhiều văn bản pháp luật mới ban hành đều được tuyên truyền kịp thời theo phương châm “Vì nhu cầu của người nghe, nhu cầu của cuộc sống”, giảm dần việc tuyên truyền theo ý muốn chủ quan của tuyên truyền viên hoặc theo chương trình, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật chưa bám sát nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số địa phương chưa thật sự chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, hoặc có làm nhưng còn nặng về hình thức kể cả việc cử người tham gia làm tuyên truyền viên. Có thể nói, nơi nào chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền thì nơi đó thường xảy ra những vụ việc vi phạm pháp luật như xây nhà trái phép, tranh chấp, khiếu kiện trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, nạn bạo hành gia đình, trộm cắp…

Để khắc phục tình trạng trên, vấn đề đặt ra là các địa phương, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cần rà soát, củng cố lại đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên đồng thời thường xuyên bồi dưỡng cả về kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền. Thực hiện có hiệu quả phương châm gắn nội dung tuyên truyền với nhu cầu thực tiễn của cuộc sống và cả nhu cầu của người nghe... Có như vậy công tác tuyên truyền pháp luật mới thực sự đi vào chiều sâu của cuộc sống.