(NTO) Trên địa bàn huyện Bác Ái hiện có các đơn vị QLBVR như Hạt Kiểm lâm, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tân Tiến, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Sắt… Chính quyền địa phương còn thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, các đội bảo vệ rừng ở 9 xã làm nhiệm vụ tuần tra, truy quét chống phá rừng. Hầu hết diện tích rừng ở Bác Ái đã có chủ, đội ngũ BVR cũng được triển khai về tận các thôn, thế nhưng rừng vẫn đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Rừng Phước Đại bị chặt phá làm rẫy trái phép
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện, tình trạng phá rừng làm rẫy trái phép xảy ra thường xuyên, liên tục, diễn biến phức tạp và khó kiểm soát, nhất là ở các vùng giáp ranh với huyện Ninh Sơn và Cam Ranh (Khánh Hòa) thuộc địa bàn các xã Phước Tiến, Phước Chính, Phước Đại, Phước Thành. Trong năm 2011, có 84 vụ phá rừng làm rẫy trái phép với diện tích 72,8 héc-ta. Diện tích rừng Lâm phần do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tân Tiến quản lý bị phá 7,9 héc-ta; số còn lại thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Sắt quản lý. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở các tiểu khu 49, 55 (xã Phước Thành), hàng loạt cây dầu tái sinh cao hơn đầu người bị chặt phá ngổn ngang. Một số nơi đối tượng phá rừng đã kịp gom đốt những cây bị đốn hạ, đào lỗ trỉa bắp. Cây rừng tự nhiên ở tiểu khu 66 (Phước Đại), 76B (Phước Chính)… cũng bị chặt phá. Anh Cao Thanh Phước ở thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại, cho biết: “NHững người phá rừng tranh thủ lúc sáng sớm phát dọn, đến chiều là gom lại đốt ngay nên lực lượng QLBVR không kịp phát hiện”
Nỗ lực dập lửu cứu rừng của bà con xã Phước Bình
Trong số 84 vụ phá rừng làm rẫy nói trên, chỉ có 5 vụ là phát hiện được người phá. Đơn cử, ngày 24-6, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Sắt bắt quả tang bà Bùi Thị Hoa ở xã Phước Đại chặt phá 4,14 héc-ta rừng tại tiểu khu 66. Có trường hợp phát hiện được đối tượng như vụ anh Pi năng Mạo ngụ ở xã Phước Đại phá 0,25 héc-ta rừng, cơ quan chức năng đã triệu tập nhiều lần nhưng anh không đến trình diện. Sự phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức trong bảo vệ rừng còn lỏng lẻo, việc xử phạt thiếu nghiêm minh. Những khu rừng bị chặt phá đến nay đều được khắc phục bằng cách bắt đối tượng trồng lại. Còn những vụ không xác minh được đối tượng, thì các đơn vị chủ rừng tổ chức trồng, hoặc cho các doanh nghiệp thuê trồng cao su. Tuy nhiên, dư luận cho rằng để phục hồi những khu rừng bị phá tốn không ít công sức và phải mất nhiều năm nữa.
Để có khu rừng xanh tốt như thế này tốn rất nhiều công sức
Thông tin từ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bác Ái cho biết hiện nay phần lớn các xã chưa được đo đạc bản đồ địa chính nên việc quản lý đất đai gặp khó khăn. Nhiều nơi người dân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng quá trình xác minh trên thực địa thì diện tích đất lại được quy hoạch nằm trong lâm phần của các đơn vị lâm nghiệp. Do chưa phân định rõ giữa đất sản xuất nông nghiệp với đất lâm nghiệp nên dẫn đến tình trạng phá rừng làm rẫy tràn lan như hiện nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ở Bác Ái có không ít hộ đã được cấp đất, hỗ trợ tiền cải tạo đất sản xuất theo Chương trình 30a của Chính phủ, thế nhưng bà con lại bán, cho người khác thuê lấy tiền tiêu xài,. Sau đó đi phá rừng, bao đất công làm của riêng.
Để cho rừng đầu nguồn Bác Ái mãi mãi lên xanh, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đúng pháp luật những ai cố tình vi phạm. Đồng thời tạo sinh kế cho người dân sinh sống vùng ven rừng có điều sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm áp lực vào tài nguyên rừng.
Anh Tùng