Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, được nêu tại Thông báo 295/TB-VPCP ngày 6/12/2011.
Giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người dân và toàn xã hội
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nhiệm vụ trọng tâm triển khai công tác an toàn giao thông năm 2012 là nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông, phải coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu để có các hành động quyết liệt, cụ thể và thiết thực trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, coi việc giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người dân và của toàn xã hội, huy động lực lượng toàn xã hội tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông.
Đồng thời, tiếp tục kiềm chế tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, hàng năm giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông; từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông.
TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh cần triển khai sớm việc bố trí lệch giờ làm việc từ ngày 1/1/2012
Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 88/NQ-CP và văn bản số 1702/TTg-KTN, trong đó, chú trọng thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài.
Theo đó, thực hiện quyết liệt việc lập lại trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị, giải phóng vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông; huy động các lực lượng của phường, xã, Đoàn thanh niên phối hợp cùng lực lượng Thanh gia giao thông và các lực lượng của ngành Công an thực hiện xử lý tất cả các hành vi vi phạm chiếm dụng lòng đường, hè phố.
Đồng thời, tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, tổ chức phân làn giao thông một chiều, phân tách làn phương tiện, bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt. Giảm xung đột tại một số nút giao thông chính bằng việc xây dựng các cầu vượt lắp ghép dành cho phương tiện có tải trọng nhẹ và môtô, xe gắn máy; cấm xe taxi, xe ôtô cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố (cả ngày hoặc trong giờ cao điểm).
UBND thành phố Hà Nôi và thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai sớm việc bố trí lệch giờ làm việc, học tập và kinh doanh từ ngày 1/1/2012
Phổ cập giáo dục pháp luật an toàn giao thông
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đưa công tác tuyên truyền an toàn giao thông về đến cụm dân cư, làng xã, khu phố.
Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông, tác hại của việc sử dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quy định đội mũ bảo hiểm, vận động người dân mặc áo phao, sử dụng dụng cụ cứu sinh khi đi phương tiện thủy.
Đồng thời, thực hiện phổ cập giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông trong hệ thống giáo dục.
Nguồn www.chinhphu.vn