Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. Đến 07 giờ ngày 09/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với ảnh hưởng của không khí lạnh, ở khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Áp thấp nhiệt đới gây thời tiết xấu trên biển và mưa to
tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ . (Ảnh: NCHMF).
* Sáng ngày (08/1) lũ hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn sẽ đạt đỉnh. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Cẩm Lệ có khả năng ở mức 2,7m, trên BĐ3: 0,2m; trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu ở mức 4,8m, trên BĐ3: 0,8m; tại Hội An ở mức 2,8m, trên BĐ3: 0,8m.
Đến chiều, tối nay (8/11), mực nước sông Bồ tại Phú Ốc: 4,0m, dưới BĐ3: 0,5m; sông Hương tại Kim Long: 3,0m, dưới BĐ3: 0,5m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 9,0m, ở mức BĐ3; tại Cẩm Lê: 2,5m, ở mức BĐ3; sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 4,50m, trên BĐ3: 0,5m; tại Hội An: 2,5m, trên BĐ3: 0,5m; sông Kôn tại Thạnh Hòa: 7,0m, ở mức BĐ2. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới trên biển và mưa, lũ trên đất liền, hồi 23h ngày 7/11, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có Công điện số 43/CĐ-TW đề nghị Ban Chỉ huy PCLB - TKCN các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh.
Đồng thời, triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán đến nơi an toàn bảo đảm an toàn về người và tài sản; chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa và vận hành theo quy trình đảm bảo an toàn công trình và hạ du; chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý các sự cố có thể xảy ra; tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, bến đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.
Mặt khác, cần chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm 4 tại chỗ (lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm,...) sẵn sàng đối phó với tình huống bị lũ chia cắt, kéo dài; duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia TKCN.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam