Đèn xanh, đèn đỏ... có bị lãng quên?

Ở tỉnh ta hiện đã có trên 15 hệ thống đèn tín hiệu giao thông (THGT) được lắp đặt, không chỉ ở nội thành mà trên các điểm nút giao thông quan trọng tại các huyện. Tác dụng của hệ thống đèn THGT thì đã rõ, tuy nhiên điều đáng quan tâm hiện nay, đó là có rất nhiều đèn THGT qua thời gian sử dụng đã bị hư hỏng, lỗi về kỹ thuật dẫn đến sai tín hiệu, thậm chí ngưng hoạt động nhưng chưa được khắc phục sửa chữa.

(NTO) Nằm trên quốc lộ 1A, nơi “cửa ngõ” phía Bắc vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, hệ thống đèn THGT tại ngã tư Thống Nhất-Trần Phú đã không còn hoạt động, trở thành những cây cột chơi vơi suốt nhiều tháng nay. Trụ đèn THGT phía Tây đường vào Nhà thờ Tân Hội, đèn bị bung ra khỏi cột, treo vắt vẻo trên cao như bẫy người đi đường. Theo người dân địa phương cho biết, từ khi thi công làm đường giao thông tại khu vực này thì toàn bộ hệ thống đèn THGT ở đây không còn hoạt động. Không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, bởi trên quốc lộ có nhiều phương tiện giao thông với tốc độ cao, trong khi đường cua vào thành phố lại bị khuất tầm nhìn nên không có đèn THGT các phương tiện giao thông rất khó chuyển hướng sang đường, dễ gây nguy hiểm...

Nhiều hệ thống đèn THGT trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm
bị hư hỏng nhưng chậm được khắc phục.

Một “cửa ngõ” khác ở phía Tây thành phố, điểm nút ngã ba vào phi trường Thành Sơn, thuộc phường Đô Vinh cũng trong cảnh tương tự. Đèn THGT ở đây cũng đã bị hư hỏng hơn 1 tháng nay, khiến người đi đường nhiều phen khốn đốn. Trên trụ đèn phía Bắc, bảng tín hiệu điện tử cũng bị rơi ra.

Trong thành phố, nhiều điểm đèn tại các ngã tư đường Thống Nhất – Trường Chinh; Lê Hồng Phong - Hùng Vương cũng thường bị mất tín hiệu. Có nhiều nơi tín hiệu đèn chập chờn như đánh đố người đi đường. Đơn cử tại ngã tư khu vực Đài PT-TH, tuy đèn vẫn hoạt động, nhưng đèn điện tử đếm ngược giờ phía Đông bị tắt, đèn phía Bắc “nhảy” loạn xạ, thời gian báo trên từng hướng đường chưa phù hợp... Ngoài tín hiệu đèn “có vấn đề” thì hầu hết các ngã tư, đèn THGT không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, không sơn rõ vạch dừng xe, một số nơi, tín hiệu đèn bị cây xanh, bảng quảng cáo che khuất tầm nhìn.

Ngoài ra, các hệ thống đèn THGT ở huyện Ninh Hải, Ninh Sơn mặc dù thời gian sử dụng chưa lâu nhưng cũng bị hư hỏng, phải sửa chữa khắc phục nhiều lần.

Trong 10 tháng năm 2011, huyện Ninh Sơn xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông làm 11 người chết, 11 người bị thương, phương tiện hư hỏng ước tính trên 16 triệu đồng, trong đó có 2 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 4 người chết và 3 người bị thương. Ngoài ra đã xảy ra 85 vụ va chạm giao thông làm bị thương 107 người; phương tiện hư hỏng ước tính trên 70 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ va chạm giao thông tăng 15 vụ, số người bị thương tăng 21 người... Nguyên nhân các vụ tai nạn và va chạm giao thông do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, sử dụng rượu - bia say, chuyển hướng không quan sát...

                                 Kim Phụng

Một trong những nguyên nhân gây hư hỏng đối với các đèn THGT là do ý thức của người dân chưa cao. Không ít trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông bất cẩn đâm vào trụ đèn, va quệt với bảng tín hiệu, làm hỏng đường dây, rồi bỏ đi. Một số nơi, khi thi công đường và các hệ thống cống, cáp ngầm, đơn vị thi công đã làm hỏng hệ thống đèn THGT nhưng không có trách nhiệm khắc phục sửa chữa. Mặt khác, phải thấy rằng công tác quản lý tại một số nơi còn lỏng lẻo và chưa phát huy hết trách nhiệm.

Theo Ban ATGT tỉnh, trách nhiệm quản lý, bảo trì, sửa chữa khắc phục các sự cố về đèn THGT trên địa bàn nội thành thuộc về UBND thành phố. Qua kiểm tra, phát hiện những hư hỏng và bất cập của các hệ thống đènTHGT, Ban ATGT tỉnh đã nhiều lần có văn bản đề nghị sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa các hư hỏng, giải tỏa các vật cản, ảnh hưởng đến tầm nhìn tại các cột đèn, nhằm đảm bảo ATGT nhưng việc khắc phục thực hiện rất chậm..

Đối với một số đèn THGT trên tuyến đường đang thi công thì giao cho các đơn vị thi công quản lý theo quy định. Theo Nghị định 11 của Chính phủ và Thông tư 39 của Bộ Giao thông vận tải về quản lý công trình đường bộ thì trong quá trình thi công, toàn bộ hệ thống tín hiệu, các kết cấu hạ tầng (trong đó có cả đèn THGT) đều được giao cho đơn vị thi công quản lý và có trách nhiệm sửa chữa khắc phục khi bị hư hỏng. Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới Ban ATGT sẽ đôn đốc, kiểm tra và đề nghị các đơn vị, địa phương khắc phục ngay những bất cập này.

Hy vọng rằng với sự đôn đốc, kiểm tra của Ban ATGT, với trách nhiệm quản lý của các đơn vị chủ quản, hệ thống đèn THGT sẽ không còn bị lãng quên, thực sự phát huy hiệu quả, góp phần đảm ATGT trên địa bàn tỉnh.