Tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng

Tỉnh ta có tổng diện tích rừng trên 200 ngàn ha, trong đó rừng phòng hộ trên 115 ngàn ha, rừng đặc dụng trên 42 ngàn ha và rừng sản xuất gần 41 ngàn ha. Diện tích trên được giao cho 9 đơn vị lâm nghiệp trực tiếp tổ chức quản lý, bảo vệ và sử dụng khoảng 184 ngàn ha, trong đó diện tích có rừng khoảng 128 ngàn ha; UBND các xã quản lý khoảng 15 ngàn ha, trong đó có trên 10 ngàn ha đất có rừng.

(NTO) Mặc dù các đơn vị chức năng đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng với diện tích lớn, trãi rộng trên địa bàn 6 huyện nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn. Theo thống kế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 năm (2006-2010) đã phát hiện 5.376 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 4.849 vụ, xử lý hình sự 12 vụ; tịch thu 18 ô-tô và máy kéo, 87 cộ xe trâu bò kéo, 480 xe máy và 243 phương tiện khác; thu giữ gần 618 m3 gỗ tròn và hơn 1.600 m3 gỗ xẻ; nộp ngân sách trên 12,345 tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm 2011, đã phát hiện 642 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 597 vụ, xử lý hành chính 1 vụ, thu 92 phương tiện vi phạm, hơn 200 m3 gỗ, nộp ngân sách trên 2,2 tỷ đồng. Tuy chưa xảy ra các vụ nổi cộm với quy mô lớn, nhưng thực tế việc chặt phá rừng theo kiểu tận diệt, ngang nhiên vận chuyển, mua bán lâm sản, san ủi đất rừng trái phép... với số lần vi phạm năm sau nhiều hơn năm trước. Nếu như năm 2009 phát hiện 13 vụ phá rừng trái phép thì 9 tháng năm 2011 đã có 10 vụ; khai thác lâm sản trái phép từ 260 vụ lên 329 vụ trong năm 2010. Đáng chú ý là đối tượng vi phạm ngày càng biểu hiện sự táo tợn và tăng mức độ nguy hại.

Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Núi Chúa tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: CTV

Cùng với nạn lâm tặc hoành hành thì tình trạng cháy rừng cũng rất đáng quan tâm. Theo thống kê 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã xảy ra 184 vụ/277 ha rừng bị cháy. Nạn phá rừng làm rẫy, xâm canh đất rừng cũng đang là vấn đề bức xúc, chỉ tính số diện tích vi phạm được phát hiện cũng đã lên đến gần 100 ha; khoảng hơn 5.000 ha đất rừng chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện các chương trình, dự án thủy lợi, du lịch sinh thái, khai thác khoáng sản, cho doanh nghiệp thuê đất thực hiện dự án và hợp tác đầu tư trồng rừng.

Mặt khác với sự hiện diện của 155 cơ sở chế biến gỗ (trong đó có 25 cơ sở không có giấy phép kinh doanh) thì không thể đảm bảo chắc chắn tất cả các cơ sở trên đều không sử dụng “gỗ lậu” của lâm tặc. Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân góp phần “ đẩy nhanh tiến độ phá rừng”. Trước thực trạng trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình ở một số địa phương và yêu cầu lãnh đạo các huyện phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm lâm luật, đồng thời lưu ý trong quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội không khuyến khích triển khai các dự án sử dụng nhiều nguyên liệu được khai thác từ rừng.

Tại hội nghị giao ban khối nội chính quý III vừa qua, đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng, các huyện, thành ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc bảo vệ rừng; trang bị phương tiện và bố trí thêm lực lượng chuyên trách, tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra để xử lý các vi phạm kể cả trong rừng và tại các cơ sở chế biến lâm sản; chấn chỉnh ngay tình trạng sang nhượng, mua bán đất rừng trái phép. Bên cạnh áp dụng các biện pháp mạnh đủ sức răn đe theo quy định của pháp luật để xử lý vi phạm, cần đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững thông qua việc chuyển giao khoa học- kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề để giúp lao động nông thôn, nhất là vùng miền núi có điều kiện chuyển đổi nghề, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập từ việc nhận trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng, từng bước hạn chế, tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng trái phép như hiện nay.