Trợ lực cho kinh tế tập thể phát triển

Xác định kinh tế tập thể (KTTT) có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã (HTX), giúp cho HTX ngày càng hoạt động thuận lợi mang lại hiệu quả hơn.

Để thúc đẩy KTTT trên địa bàn tỉnh phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT; thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh để chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển KTTT; xây dựng kế hoạch, đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển KTTT, HTX vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm để tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương để triển khai thực hiện và chỉ đạo hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho KTTT, HTX và thực hiện các chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện tốt hơn. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổ chức họp Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh... Ngoài ra, trong giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh phân bổ 16,18 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ phát triển KTTT.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và đại biểu tham quan gian hàng OCOP của các hợp tác xã trưng bày tại Hội nghị kết nối,
xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh (tháng 11/2024).Ảnh: P.Bình

Đồng chí Lê Hoài Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Đơn vị tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản liên quan về các chính sách hỗ trợ KTTT, như: Hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ tư vấn thuế, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp... thông qua các hình thức như đi trực tiếp cơ sở, qua zalo, email; tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên và người lao động trong HTX. Năm 2024, có 11 HTX mới thành lập, trong đó Liên minh HTX tỉnh trực tiếp tư vấn hỗ trợ cho 7 HTX. Tính đến nay, toàn tỉnh có 132 HTX, trong đó 121 HTX thuộc lĩnh vực nông, ngư, diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn, 11 HTX thuộc ngành nghề khác, với trên 19.200 thành viên.

Mặc dù kinh tế HTX đã có bước phát triển tích cực, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của tỉnh. Về cơ bản, hầu hết HTX đã chuyển đổi hoạt động sang mô hình HTX kiểu mới, tuy nhiên vẫn còn gặp một số hạn chế, như: Phần lớn các HTX nông nghiệp thường rất khó tiếp cận với các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp; trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Khả năng huy động vốn của các thành viên rất hạn chế, khó vay vốn từ ngân hàng...

Xã viên Hợp tác xã Hành tím Nhơn Hải (Ninh Hải) thu hoạch hành.

Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành liên quan nỗ lực tìm phương án tháo gỡ khó khăn để tiếp vốn cho các HTX trên địa bàn. Cụ thể, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt, trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kết nối tín dụng cho các HTX trên địa bàn tỉnh; qua buổi gặp mặt, đại diện các HTX đã đề xuất, kiến nghị có chính sách hỗ trợ HTX; kết nối đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho các HTX; hỗ trợ hướng dẫn HTX những thủ tục pháp lý cần thiết để có thể tiếp cận vốn vay... Tại hội nghị này, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngân hàng, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, nhiệm vụ theo chức năng thẩm quyền, thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng HTX, hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để HTX phát triển toàn diện, đạt hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Song song đó, UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù như: Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay phục vụ phát triển thủy sản, hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ, cho vay không có tài sản đảm bảo lên đến 70% đến 80% giá trị khoản vay; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Ngoài tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đã dành nguồn vốn với lãi suất hợp lý cho vay đối với các HTX có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi hoạt động trong các lĩnh vực mũi nhọn như nông nghiệp, công nghiệp chế biến...

Mặt khác, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, hỗ trợ vay vốn cho các đối tượng có dự án vay vốn đáp ứng đủ điều kiện, yêu cầu theo kênh Quỹ Hỗ trợ giải quyết việc làm do Liên minh HTX Việt Nam ủy quyền theo đúng quy định; giới thiệu đến các thành viên HTX và HTX thành viên tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam do Liên minh HTX Việt Nam quản lý. Đồng thời, hỗ trợ triển khai tổ chức 4 đợt xúc tiến thương mại cho các HTX có sản phẩm phẩm đặc thù của tỉnh tham gia...

Với các chính sách hỗ trợ thiết thực và nhiều giải pháp của các cấp chính quyền địa phương đã tiếp thêm động lực cho KTTT. Bên cạnh đó, với việc Luật HTX 2023 (sửa đổi) đi vào triển khai áp dụng đã phần nào tháo gỡ được những khó khăn cho các HTX trong quá trình hoạt động, phát triển, nhất là tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giúp cho nhiều HTX bứt phá để khẳng định giá trị của mô hình HTX trong nền kinh tế thị trường.