Ninh Phước: Phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp

Nhờ sự đầu tư từ các chương trình, dự án của trung ương, của tỉnh, đến nay hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Ninh Phước từng bước được xây dựng đồng bộ, kiên cố hóa đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân.

Trên địa bàn huyện Ninh Phước hiện có 5 công trình hồ thủy lợi với dung tích chứa trên 31,7 triệu m3. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 100% hệ thống kênh cấp 1; 80% kênh cấp 2; 85% kênh thủy lợi cấp 3 và các công trình trạm bơm đã được đầu tư, nâng cấp cải tạo, kiên cố phân bố ở khắp các xã góp phần chủ động nguồn nước đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho trên 60% diện tích đất canh tác cây trồng hằng năm. Đồng chí Huỳnh Tuấn Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ninh Phước, cho biết: Các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu nước tưới, phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân. Nhờ đó, địa phương đã phát triển nhiều mô hình sản xuất tăng dần về quy mô, số lượng và theo hướng hàng hóa; giúp nông dân có thêm điều kiện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương ngày càng phát triển.

Hệ thống kênh mương trên địa bàn huyện Ninh Phước được đầu tư đồng bộ đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Cùng với hệ thống công trình thủy lợi được Nhà nước hỗ trợ đầu tư, để đảm bảo nước tưới, tiêu cho sản xuất, thời gian qua, huyện Ninh Phước còn huy động nguồn lực từ nhân dân để nâng cấp, cải tạo các tuyến kênh mương thủy lợi nội đồng với chiều dài 442km. Huyện cũng đã giao cho các xã, thị trấn trực tiếp quản lý, sử dụng thành lập các tổ thủy nông vận hành công trình; hằng năm chỉ đạo các ngành phối hợp với các xã vận động người dân tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong sử dụng nguồn nước... Nhờ có nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, diện tích canh tác của huyện luôn đạt và vượt kế hoạch. Chỉ tính riêng trong vụ hè - thu năm 2025, toàn huyện xuống giống hơn 8.032ha cây trồng các loại; trong đó, lúa chiếm 4.325ha; cây bắp 725ha; rau, đậu, cây gia vị các loại 1.330ha; cỏ chăn nuôi 447ha; cây nho, táo 1.039ha.

Việc hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ và đưa vào sử dụng không chỉ có tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của địa phương, giúp nông dân chủ động mở rộng diện tích canh tác, mạnh dạn áp dụng các phương thức luân canh, tăng vụ, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương ngày càng phát triển. Đồng chí Hán Thị Ngọc Du, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hữu, cho biết: Trước đây, khi hệ thống kênh mương cấp 1, cấp 2 và nội đồng chưa được đầu tư đồng bộ, nên việc dẫn nước về tận chân ruộng cho người dân canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Để đưa sản xuất nông nghiệp của xã phát triển, những năm qua, từ các nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện, địa phương chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng, đảm bảo nguồn nước tưới cho các vùng sản xuất trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn xã đã được đầu tư trên 40km kênh mương cấp 3, phục vụ nguồn nước tưới ổn định cho trên 1.550ha sản xuất lúa và 200ha hoa màu. Nhờ có các công trình thủy lợi, nông dân có thêm điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, đời sống của nông dân cũng được cải thiện đáng kể.

Ông Hồ Văn Hiệp, thôn La Chữ, xã Phước Hữu chia sẻ: Trước đây, cánh đồng thôn La Chữ thường xuyên bị ảnh hưởng của nắng hạn, nhiều diện tích đất sản xuất của người dân gặp khó khăn do không chủ động được nguồn nước tưới. Từ khi hồ chứa nước Tân Giang, Bàu Zôn được đầu tư xây dựng, diện tích gieo trồng liên tục được mở rộng, nhiều cánh đồng không sản xuất được thì nay đã tăng lên 2-3 vụ/năm, người dân cũng chủ động hơn trong canh tác lúa và hoa màu, cuộc sống của bà con đã thay đổi rất nhiều.

Thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục kết hợp lồng ghép các nguồn vốn và sử dụng có hiệu quả để từng bước hoàn thiện hạ tầng thủy lợi. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời các vị trí hư để tu sửa và kiên cố hóa các tuyến kênh mương nội đồng tại các xã, thị trấn nhằm phục vụ sản xuất của người dân; tổ chức nạo vét, đảm bảo tối đa nguồn nước phục sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.