Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận: Góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

Chiều 20/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, góp ý:

Về trao quyền thu giữ tài sản cho tổ chức tín dụng (bổ sung Điều 198a, Điều 198b, Điều 198c vào sau Điều 198): Việc bổ sung quy định tại dự thảo Luật cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ có quyền đơn phương thu giữ tài sản bảo đảm, kể cả bất động sản (mà không cần có bản án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền) có thể có nguy cơ xảy ra xung đột, vì nếu cưỡng chế trái pháp luật, thậm chí xâm phạm chỗ ở hợp pháp nếu không kiểm soát kỹ lưỡng việc lạm dụng quyền thu giữ sẽ dẫn đến xâm phạm quyền sở hữu, quyền cư trú hợp pháp của người dân.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận góp ý tại tổ.

Về thông báo thu giữ tài sản: Dự thảo Luật quy định việc gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an cấp xã nơi có tài sản bảo đảm và Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an cấp xã thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm; được quyền tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ, (khoản 4, khoản 5, Điều 198a dự thảo Luật) nhưng lại không có quy định trách nhiệm kiểm tra, giám sát nội dung thông báo của các cơ quan này có đúng hay không. Như vậy, nếu trường hợp thông báo không đúng thực tế, thông báo không đến đúng đối tượng, hoặc bị lạm dụng để hợp thức hóa hành vi cưỡng chế… thì hậu quả trong trường hợp có sai sót sẽ do ai chịu trách nhiệm.

Về cơ chế bảo vệ người có tài sản đảm bảo: Dự thảo Luật chưa thấy có quy định rõ ràng về quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bảo đảm khi việc thu giữ tài sản đảm bảo diễn ra sai quy định, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng người có tài sản đảm bảo có thể mất nhà, mất tài sản nhưng không có đủ công cụ pháp lý để tự bảo vệ mình.

Về Điều 198b (Kê biên tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu) và Điều 198c (Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong vụ việc vi phạm hành chính): Điều 198b và 198c quy định về tài sản là tang vật, vật chứng hình sự hoặc vi phạm hành chính được trả lại cho bên bảo đảm mà không có sự tham gia của người có tài sản (bị can/bị cáo, đương sự trong vụ việc vi phạm hành chính…), có thể dễ làm nảy sinh tranh chấp quyền sở hữu giữa các bên (ngân hàng - người phạm tội/người vi phạm - bị hại), tạo áp lực cho cơ quan thi hành pháp luật.

Về quy định về cho vay đặc biệt với lãi suất 0%: Cần phải quy định thật cụ thể điều kiện được cho vay, cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đánh giá khả năng phục hồi của tổ chức vay đặc biệt… để không gây rủi ra về tài chính cho ngân sách nhà nước.