Chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học, quản trị nhà trường và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, từ đầu năm 2025 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên các lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Quang, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ dạy và học, Sở GD&ĐT, cho biết: Trong quý I/2025, ngành GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Một số nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện có hiệu quả, nhất là thực hiện Đề án 06, trong đó nổi bật là việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở giáo dục đạt 76,5%, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cao là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 98,3%; huyện Ninh Sơn 97,6%; huyện Ninh Phước 91,1%...

Đối với việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, đến nay, toàn tỉnh có 121/125 trường tiểu học triển khai thí điểm học bạ số. Số học sinh (HS) tham gia thí điểm/tổng số HS (lớp 1, 2, 3, 4) là 47.677/49.871 HS, đạt 95,6%. Số học bạ số phát hành/tổng số HS tham gia thí điểm (lớp 1, 2, 3, 4) là 47.677/47.677 HS, đạt 100%; không có học bạ số phải thu hồi, hoàn thiện/số phát hành.

Giáo viên Trường THPT Ninh Hải ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng dạy và học.

Cùng với học bạ số cấp tiểu học, ngành GD&ĐT cũng đã triển khai thí điểm học bạ số cấp THPT nhằm hướng đến tích hợp dữ liệu dân cư trên nền tảng VNeID. Học bạ số giúp lưu trữ thông tin học tập của HS một cách hệ thống, dễ dàng truy cập và quản lý; giảm chi phí in ấn, giảm thiểu sai sót trong việc nhập liệu và bảo quản hồ sơ giấy tờ truyền thống; tiết kiệm thời gian cho giáo viên trong việc ghi chép, tổng hợp và báo cáo kết quả học tập. Khi học bạ số được triển khai, phụ huynh có thể theo dõi tiến độ học tập của HS một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ hơn với nhà trường. Học bạ số phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục, góp phần hiện đại hóa quản lý giáo dục, tạo tiền đề cho việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI, big data trong phân tích dữ liệu học tập; đồng thời, là cơ sở để tích hợp, theo dõi trình độ học vấn của công dân, đánh giá mục tiêu phổ cập giáo dục và xóa mù chữ của Nhà nước.

Hiện nay, ngành GD&ĐT tiếp tục duy trì hỗ trợ và cung cấp dịch vụ tiện ích miễn phí thông qua app mobile cho phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường để theo dõi kết quả học tập của HS, thu học phí không dùng tiền mặt hoặc phối hợp trong quá trình giáo dục HS thay cho phiếu liên lạc truyền thống. Các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và dạy học; 100% các cơ sở giáo dục thực hiện số hóa hồ sơ, sử dụng triệt để hồ sơ điện tử nhằm giảm hồ sơ giấy, giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý.

Ngành GD&ĐT cũng đã triển khai và ứng dụng có hiệu quả các phân hệ tuyển sinh trực tuyến trong Hệ chương trình quản lý giáo dục Ninh Thuận từ cấp mầm non đến THCS; tổ chức quản lý thi, đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập và thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trên nền tảng chuyển đổi số. Hoạt động tuyển sinh trực tuyến giúp ngành GD&ĐT tiết kiệm thời gian, chi phí các loại hồ sơ, hạn chế sai sót về nghiệp vụ; đồng thời, giúp phụ huynh và HS thuận tiện trong đăng ký, theo dõi và truy vấn kết quả thi.