Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương thực hiện Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Thực hiện Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 10/12/2024 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Hướng dẫn số 05-HD/BTGDVTW ngày 31/3/2025 của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương về tuyên truyền chủ trương và nhiệm vụ phát triển điện hạt nhân; Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch số 397-KH/TU ngày 18/4/2025 đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh xây dựng nội dung, tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản pháp luật về đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân; vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình điện hạt nhân đối với công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Để tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận, an tâm, tin tưởng và ủng hộ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện thành công Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (Dự án), Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:

Về nội dung tuyên truyền:

Tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển điện hạt nhân; định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo tỉnh về triển khai thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; các cơ chế, chính sách di dân, tái định cư, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút lao động,... phục vụ Dự án.

Tuyên truyền các nội dung về bảo đảm an toàn, an ninh trong phát triển điện hạt nhân. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, ứng phó sự cố hạt nhân; xử lý và quản lý chất thải phóng xạ. Hệ thống quản lý Nhà nước và các văn bản pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và phát triển điện hạt nhân. Văn hóa an toàn và các bài học kinh nghiệm từ các sự cố hạt nhân trên thế giới.

Tuyên truyền kinh nghiệm thế giới và các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trong triển khai Dự án. Trong đó, tập trung các vấn đề về: Chủ trương, chính sách hợp tác quốc tế trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Đặc điểm, tính chất và lợi ích kinh tế - xã hội của điện hạt nhân; lịch sử, thành tựu, kinh nghiệm, tình hình và xu hướng phát triển của điện hạt nhân trên thế giới; vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình điện hạt nhân với sự phát triển của đất nước, của tỉnh.

Tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng chống phá Đảng và Nhà nước, kích động, chia rẽ trong Nhân dân, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây ảnh hưởng, bất lợi trong quá trình triển khai thực hiện Dự án.

Về hình thức tuyên truyền:

Phát huy tối đa hệ thống thông tin truyền thông, báo chí của Trung ương và địa phương; các trang mạng xã hội; thông qua đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo - dân vận, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, các ngành, các địa phương, Mặt trận và các hội, đoàn thể trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; cán bộ, đảng viên là những người trực tiếp và có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Dự án; người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong cộng đồng dân cư, dân tộc, tôn giáo, nhất là ở vùng Dự án.

Căn cứ điều kiện cụ thể của các địa phương, đơn vị tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Trên trang thông tin điện tử, thông qua nền tảng số, mạng xã hội; ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền; phóng sự, ký sự; sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội; các hoạt động cổ động trực quan; tổ chức hội thi, cuộc thi, hội thảo, tọa đàm,... với nội dung đa dạng, phong phú, toàn diện vấn đề liên quan đến điện hạt nhân.

Tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài về triển khai công tác thông tin, định hướng tuyên truyền phát triển điện hạt nhân. Tổ chức đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc hại bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là tăng cường đấu tranh trên internet, mạng xã hội,...

Tổ chức các lớp tấp huấn, tuyên truyền cho các đối tượng là Ban Chỉ đạo; các Tổ/nhóm của Mặt trận, đoàn thể ở địa phương thực hiện dự án; cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp xã, lực lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cốt cán ở địa phương vùng Dự án. Xây dựng mô hình nhà máy điện hạt nhân với tỷ lệ phù hợp, đặt tại Quảng trường 16 Tháng 4 để phục vụ Nhân dân tham quan.

Thời gian thực hiện:

Bám sát Kế hoạch công tác tuyên truyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh triển khai thực hiện Dự án; Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, các cấp ủy chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo từng năm, đề ra nhiệm vụ tuyên truyền cụ thể, tương ứng, phù hợp. Trong đó, năm 2025, tập trung tuyên truyền các nội dung:

(1) Chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình điện hạt nhân Việt Nam và Dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

(2) Tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh và địa phương vùng Dự án.

(3) Thực hiện tốt các chính sách di dân, tái định cư, an sinh xã hội khi triển khai thực hiện Dự án.

(4) Bảo đảm an toàn điện hạt nhân; cơ chế vận hành; hệ thống luật pháp.

(5) Các quy định của pháp luật liên quan đến các cơ chế, chính sách, các quy định chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc trục lợi chính sách như: mua, bán, sang nhượng trái phép, lấn chiếm, sửa chữa, cơi nới, xây dựng mới các công trình trong phạm vi đã có thông báo thu hồi đất Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thời gian tiếp theo: Triển khai công tác tuyên truyền các nội dung theo lộ trình thực hiện Dự án.