Ninh Sơn nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng nông thôn, miền núi

Huyện Ninh Sơn có 8 xã, thị trấn với 61 thôn, khu phố; trong đó, có 1 xã thuộc khu vực III và 12 thôn đặc biệt khó khăn. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện đã quan tâm, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó tập trung lãnh đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ).

Nhờ đó đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng chính quyền và các đoàn thể ngày càng vững mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Nhựt, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn, cho biết: Đảng bộ huyện hiện có 47 TCCSĐ với 12 đảng bộ và 35 chi bộ cơ sở. Tổng số đảng viên (ĐV) toàn huyện là 2.009 ĐV. Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong đó tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ ở nông thôn, miền núi giai đoạn đến 2015 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường củng cố xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ ĐV trong giai đoạn mới và các quy định về trách nhiệm nêu gương... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được quan tâm chỉ đạo; Huyện ủy Ninh Sơn đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch để triển khai thực hiện. Phân công các đồng chí huyện ủy viên, ủy viên ban thường vụ huyện ủy phụ trách địa bàn thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ để nắm bắt tình hình, kịp thời đề xuất, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đến nay, toàn huyện không còn thôn “trắng” ĐV. Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn; bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận; trưởng thôn là ĐV, đến nay, huyện đang thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND (xã Nhơn Sơn) có 61/61 chi bộ thôn, khu phố, (trong đó có 53/53 chi bộ thôn, đạt 100%); có 8/53 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (chiếm 15%); có 12/53 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn (chiếm 22,6%); có 37/53 trưởng thôn là ĐV (chiếm 69,8%); có 20/53 trưởng ban công tác mặt trận thôn là ĐV (chiếm 37,7%).

Cán bộ xã Ma Nới (Ninh Sơn) thăm mô hình phát triển kinh tế của người dân địa phương.

Hoạt động của các TCCSĐ ở địa bàn nông thôn, miền núi tiếp tục được phát huy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai đầy đủ kịp thời các quy định của cấp trên; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng được tăng cường. Nhiều TCCSĐ đã lãnh đạo có hiệu quả nhiệm vụ chính trị như: Xây dựng nông thôn mới, quản lý đất đai, thu ngân sách, bảo đảm an ninh chính trị, xây dựng hệ thống chính trị. Chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ được nâng lên và đi vào nền nếp; hằng năm, trên 90% chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; 90% ĐV “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Đội ngũ ĐV luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, tiên phong, gương mẫu, giữ mối liên hệ nơi cư trú. Công tác phát triển ĐV, nhất là địa bàn nông thôn, miền núi được quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kết nạp Đảng hằng năm. Riêng năm 2024 kết nạp 78/77 ĐV mới, đạt 101,2% chỉ tiêu tỉnh giao; trong đó, kết nạp tại các xã nông thôn, miền núi là 51 ĐV, chiếm 65,3% ĐV kết nạp toàn huyện.

Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ trong thời gian tới, cấp ủy địa phương xác định đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy về tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ ĐV trong giai đoạn mới. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, ĐV; chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng cho ĐV trước những vấn đề phát sinh. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp ủy, bí thư cấp ủy cơ sở, bảo đảm vai trò hạt nhân và lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Đảng. Kịp thời cụ thể hoá chủ trương của cấp trên phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, gắn với giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy, tăng cường sinh hoạt chuyên đề; trong sinh hoạt chi bộ phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh công tác phát triển ĐV, trong đó chú trọng kết nạp quần chúng ưu tú trong lực lượng dân quân, đoàn viên, hội viên ưu tú trong các đoàn thể, cán bộ trực tiếp hoạt động trên địa bàn dân cư và là người đồng bào dân tộc thiểu số.